» Tin tức » Chia sẻ về cách mua đàn piano

Tôi đi xe máy mấy chục năm rồi, tất nhiên là lái xe tương đối vững và leo lên xe đi một lúc thì biết xe nào tốt trong thời điểm đó. Lâu rồi, cũng thích xe ga nên tôi ra chợ trời tìm một chiếc Avernis 150 rất đẹp, đi thử, đắn đo mãi và mua. Kết quả là tôi đã mất rất nhiều tiền cho chiếc xe đó vì sau đó, động đến cái gì nó cũng hỏng, không có linh kiện thay thế...


Nói vậy để biết đi xe máy và thợ sửa xe là 2 nghề khác nhau. Người thợ sửa xe đến xem xe hộ thì đôi khi họ chỉ cần nghe tiếng máy là biết xe đó có thực sự tốt hay không. Việc này, người đi xe máy thường không làm được. Nếu bạn chỉ biết đi xe máy giỏi mà ... dám dẫn bạn mình ra chợ xe máy cũ để khẳng định..."giúp" bạn mình một chiếc xe máy cũ tốt thì tôi cho bạn là siêu nhân.


Cũng vậy, người chơi đàn piano không thể biết được một chiếc đàn cũ có thực sự tốt hay không. Đó là chưa kể trên thị trường hiện nay có rất nhiều kiểu "cài cắm", đưa giá thành thực của piano vượt qua nhiều giới hạn vì lợi nhuận không minh bạch. Giả như chiếc đàn piano có giá trị thực khoảng 2000 usd, thày cô giáo đến yêu cầu người bán hàng đưa giá lên 3000 USD để thày cô kiếm 1000 USD lợi nhuận. Tôi mong các bạn hãy hết sức cảnh giác về việc này vì trên thị trường piano cũ Việt Nam hiện nay, kiểu cài cắm này như một bệnh dịch.


Chúng tôi có tiền hoa hồng cho giáo viên không?
Có, nhưng phải có chừng mực.
Chừng mực thế nào?
Trong cuộc chơi này có 3 thành phần: người bán đàn, người mua đàn và giáo viên. 

 

Bất kể ai trong 3 thành phần trên đưa quyền lợi ích kỷ của mình lên quá cao đều là sai.

Nếu người bán chỉ muốn thu lợi nhuận, không quan tâm đến lợi ích của khách hàng, không quan tâm đến khó khăn khi dạy các cháu của thày cô, người bán hàng đó là người bán hàng chưa thông minh.
Thày cô chỉ muốn cài cắm được nhiều tiền, bán được đàn cho học sinh rồi cao chạy xa bay thì loại thày cô đó cũng nên chào sớm và nếu tôi là phụ huynh, tôi cũng tránh xa loại thày cô này.
Người mua đàn chỉ muốn "ngon, bổ, rẻ" không quan tâm đến chi phí để duy trì dịch vụ của người bán đàn, cò kè bớt một thêm hai tiền dạy học của các thày cô thì sớm hay muộn, chiếc đàn piano sẽ đắp chiếu để đấy vì ít người sờ đến, vì cả nhà không ai biết chơi.

Bất kể người bán hàng nào khi muốn bán hàng đều muốn tiếp cận khách hàng của mình bằng nhiều kênh, trong đó, các thày cô dạy đàn là một kênh mà chúng tôi hay nói đùa là "vệ tinh". Tuy nhiên, không biết các nhà khác thế nào chứ "vệ tinh" nhà tôi mà yêu sách nhiều thì chúng tôi thường "chào thân ái" và không muốn gặp lại.

 

Vì sao?
 

Khi kinh doanh, chúng tôi trông cậy vào khách hàng, khách hàng là người đem lại lợi nhuận chứ không phải thày cô, làm mất lòng khách hàng thì chỉ có chụp giật, ngu xuẩn thì mới làm. Nếu nghĩ như vậy thì tốt nhất nên đóng cửa, đừng kinh doanh. Nhưng rất tiếc, trên thị trường hiện nay, vẫn có nhiều người sống ... tốt theo cách này bởi chúng ta còn rất nhiều thứ rất nhộm nhoạm trên thị trường không phải chỉ riêng thị trường piano cũ mà thôi.

Tóm lại, khi các bạn đi mua hàng, các bạn hãy cố tìm lấy một cơ sở kinh doanh có uy tín. Việc đó rất khó trong thời buổi chúng ta có rất nhiều công việc bận rộn hàng ngày. Tôi có cách nhìn người của mình, tất nhiên không phải lúc nào cũng đúng nhưng ngoài việc tìm hiểu qua về các cơ sở bán mặt hàng mình cần mua, tôi thường đến trực tiếp để đối thoại với người bán hàng và quan sát người bán hàng xem có đáng tin cậy không.

Tôi cũng thường nói đùa là việc hệ trọng nhất trong đời là lấy vợ, lấy chồng nhiều khi cũng là hên xui thì việc mua một chiếc đàn ... piano theo tôi không phải là việc để chúng ta quá bận tâm.

Tuy nhiên, cũng nên cẩn thận đôi chút !

 

Follow us

HUY QUANG PIANO