» Tin tức » Maksim Mrvica – kẻ nổi loạn của cây đàn piano

 

Nhạc cổ điển thường được người ta gọi là nhạc bác học, đỉnh cao của âm nhạc, blablabla… gì đó. Tui thì không quan tâm lắm, tui thích nghe nhạc cổ điển, nhưng không phải để mình cao siêu hơn được chút nào. Chỉ đơn giản là không hiểu sao cái lỗ tai cây của tui lại thấy hợp với những giai điệu của nhạc cổ điển.

Cho tới nay, tròm trèm tui đã nghe cổ điển gần 15 năm, cũng hiểu được chút ít về nó. Tuy nhiên tui vẫn nghĩ mình dân nghiệp dư trong cái thú thưởng thức này. Trong 4 cấp độ thưởng thức cổ điển của Hugh M. Miller, tôi nghĩ mình chỉ đến mức “Cảm Giác” hay “Cảm Xúc” là cùng [1].

Tui xem âm nhạc đơn giản là một niềm vui, là hạnh phúc. Còn lại tui không quan trọng mình là cấp nào, chuyên nghiệp hay nông dân. Tui cảm nhận mỗi bài nhạc cổ điển theo cách riêng của mình, theo suy nghĩ và sự tưởng tượng riêng của tui.

Cách thưởng thức nhạc cổ điển cũng khác so với nhạc bình thường, tôi có thể mở 1 bài của Yanni hoặc Brian Crain để vừa làm việc, vừa chạy xe vừa nghe. Nhưng khi nghe cổ điển thì tui thường tắt đèn, ngồi trên salon nhắm mắt nghe. Không phải để “tạo dáng” ra vẻ cao siêu gì, mà thật sự nếu nghe nhạc cổ điển mà không tập trung thì  nó chẳng còn gì hay ho nữa, thậm chí nghe còn thấy… bực mình :-D

Tui bắt đầu đến với nhạc cổ điển từ thể loại New Age, rồi sau đó từ từ mon men làm quen qua những tác phẩm của  hai nghệ sĩ Richard Clayderman và Paul Mauriat, có thể nói đây là 2 người đã có công nâng cấp cái lỗ tai cây của tui. Họ đã chọn con đường cách điệu âm nhạc cổ điển từ một thể loại hàn lâm sang một phong cách nhẹ nhàng hơn, dễ đi vào lòng người hơn, từ đó mang âm nhạc cổ điển đến gần hơn với đại chúng.

Tuy nhiên hôm nay tôi sẽ không viết bài về 2 nghệ sĩ này, người tui muốn viết là Maksim Mrvica – một nghệ sĩ piano người Croatia cũng chọn con đường phá cách cho âm nhạc cổ điển.

Maksim Mrvica – kẻ nổi loạn

Maksim Mrvica là một nghệ sĩ trẻ (sinh năm 1975), anh sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng nhỏ ở Croatia. Bắt đầu làm quen với cây đàn piano từ năm 9 tuổi và anh may mắn được rất nhiều giáo sư, nghệ sĩ tên tuổi đào tạo. Nhạc của Maksim có thể chia thành 3 “nhóm” chính:

  • Những album hoàn toàn là nhạc cổ điển, anh chơi rất thành công thể loại này, đặc biệt là những bài của Chopin, Lizst, Grieg…
  • Thứ 2 cũng là nhạc cổ điển, nhưng được anh cách điệu kết hợp với các nhạc cụ mới và phong cách mới. Đây là dòng nhạc mà tui muốn nhắc đến nhiều trong bài này.
  • Và thứ 3 là những bài mới sáng tác, nhưng dựa trên âm hưởng nhạc cổ điển.

Tôi sẽ không nói nhiều về tiểu sử của anh, vì những thông tin này mọi người có thể đọc được trên wiki hoặc trên website của anh.

Maksim Mrvica thường bị một số người gọi là kẻ nổi loạn, kẻ “phá hoại” phong cách của nhạc cổ điển. Trong đó có không ít những nghệ sĩ nổi tiếng và những người nghe nhạc khó tính (và cổ hủ) – vì những người này không chấp nhận được những thay đổi trong việc cách tân những giai điệu cũng như phong cách biểu diễn của mình.

Tuy nhiên, (ít nhất là với cá nhân tôi) tôi không nghĩ phong cách âm nhạc của anh là “phá hoại” nhạc cổ điển. Ngược lại, nó thổi hồn vào những bài nhạc cổ điển hàn lâm một phong cách mới, từ đó mang đến những cách cảm thụ mới hay hơn cho thể loại nhạc kén người nghe này. Và có thể nói anh đã làm rất thành công việc đó, các album của anh luôn được chào đón nồng nhiệt – đặc biệt là với đối tượng những người trẻ.

Chúng ta thường thấy hình ảnh những người chơi nhạc cổ điển là những người mặc các bộ lễ phục sang trọng, phong cách đĩnh đạc ngồi bên cây vĩ cầm… Nhưng với những buổi biểu diễn của Maksim thì khác, anh kết hợp những thiết bị mà không ai dám nghĩ tới cho một sân khấu nhạc cổ điển như đèn laser, khói màu, đèn chiếu… Hãy cùng xem thử phong cách này khi anh trình bày bản nhạc dưới đây, bài Etude cung Đô thứ của Chopin.

 

 

Chiếc áo da sát nách, tay chân xâm mình, đầu tóc bù xù… làm ta liên tưởng đến một ca sĩ nhạc rock hơn là một nghệ sĩ piano đang chơi với dàn nhạc. Tuy nhiên, sau khi nghe toàn bộ bài nhạc, nhìn vào kỹ thuật điêu luyện, cùng với sự đam mê anh truyền vào tác phẩm. Tôi tin là không ai có thể nói rằng đây là một loại âm nhạc rẻ tiền.

Những sáng tác mới

Càng ngày, bằng chính niềm đam mê của mình, anh dần chinh phục được trái tim của người nghe. Khi ra mắt album Pure, những tên tuổi nhận xét khó tính nhất trong làng âm nhạc đã dành cho anh những mỹ từ hoa mỹ nhất: “Croatia có thể là một đất nước nhỏ, nhưng đất nước này có một tài năng khổng lồ”, “Không giải thích nổi cảm xúc của tôi khi nghe album này chính xác là gì, chỉ biết rằng tôi thực sự bị thổi tung tất cả mọi giác quan”,…

Và tôi cũng vậy, những bài hát của Maksim cũng cuốn phăng mọi cảm giác của tôi.

Tôi vẫn không quên cảm xúc của mình khi lần đầu tiên nghe bài Hana’s Eyes, một bài được soạn cho piano, bộ gõ và vocal. Từng cung bậc trầm bổng của tiếng Piano quện với tiếng của dàn violon theo phong cách cổ điển, kết hợp với tiếng hát cao vút của vocal, tất cả không đối đầu với nhau mà ngược lại lại bổ sung cho nhau khi lắng đọng khi dồn dập.

Nghe bài này tôi có thể hình dung ra khung cảnh một bộ phim chiếu chậm về những người anh hùng trong cuộc chiến, những người mẹ, người vợ ở quê nhà… Đó là những cảm xúc tuyệt vời mà âm nhạc của Maksim mang lại cho người nghe.

 

 

Và Still Water, bài hát mà tôi đã nhắc đến ở đầu bài. Bài này là một điển hình cho ta thấy Maksim không phải là kẻ chỉ đơn giản là thêm bộ gõ đùng đùng vào những bản nhạc cổ điển, mà anh còn có khả năng chinh phục trái tim người nghe bằng những giai điệu sâu lắng, nhẹ nhàng.

Và còn nhiều những Amazonic hoành tráng, những Croatian Rhapsody sôi động…, rất nhiều bài của Maksim mang lại cho chúng ta rất nhiều cung bậc cảm xúc mà nếu liệt kê hết ra đây có lẽ bài viết này chỉ toàn là những bài nhạc của anh. Tôi sẽ để lại cho mọi người tự khám phá.

 

 

Video bên trên là bài Dạ khúc cung Rê giáng của Chopin, một bài không đơn giản. Và Maksim đã cho thấy anh vẫn có khả năng trình diễn nó một cách truyền cảm những bài nhạc cổ điển theo đúng phong cách xưa nay. Nhưng Maksim quyết định chọn đi một con đường khác.

Và giống với Paul Mauriat và Richard Clayderman, sự thay đổi và cái mới luôn luôn đi kèm với những ý kiến trái chiều, những ý kiến ủng hộ cái mới và những ý kiến trung thành với cái cũ. Và những người nghe nhạc cổ điển “chuyên nghiệp” hẳn cũng không thích đứng cùng hàng với những kẻ lỗ tai cây như tôi :-D Do đó cũng không khó hiểu khi mà Maksim cũng nhận được rất nhiều ý kiến chỉ trích.

Trên những diễn đàn về âm nhạc, số lượng người chửi rủa Maksim cũng nhiều không thua gì số lượng người tán dương anh. Như trong bài Etude của Chopin bên trên, có người còn nói: “Nếu Chopin còn sống, ông ta sẽ tìm và tiêu diệt tay Maksim này”.

Khi viết bài này, có thể tôi cũng sẽ nhận những lời chỉ trích từ những người nghe nhạc chân chính, những nhà bác học. Nhưng dẫu sao, với cái tầm thẩm thấu âm nhạc còm cõi của mình, tôi vẫn yêu thích những tác phẩm của Maksim.

Khi được hỏi về những thành công vược bậc của mình, Maksim đã trả lời:

“Well, it’s not a question of money … I just always wanted to take a different approach. It’s a question of experimenting. I always wanted to try something different, something new. I want to reach as many people of all ages with classical music. That’s my dream.”

“Đây không phải là về vấn đề tiền bạc, tôi chỉ muốn tìm một hướng tiếp cận mới. Mà là vấn đề về sự trải nghiệm. Tôi mong muốn làm một điều gì đó khác biệt, điều gì đó mới. Tôi muốn mang nhạc cổ điển đến với tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi. Đó mới là giấc mơ của tôi”.

Những album của Maksim liên tục nhận được các giải thưởng và có số lượng tiêu thụ vượt trội, đặc biệt hơn nữa, giới trẻ chiếm một tỉ lệ khá lớn trong tổng số lượng người nghe nhạc của anh. Trong thời đại mà các xu hướng nhạc Pop, Dance đang thống lĩnh giới trẻ. Nhìn vào những thành quả mà Maksim đã và đang làm. Tôi cho rằng anh thật sự đã thực hiện được giấc mơ của mình.

 

(St)blog.ngochieu.com

Follow us

HUY QUANG PIANO