» Tin tức » Người ta đã học cách tôn trọng con người như thế nào?

 

Có dịp được sang Mỹ, tôi chưa từng thấy ở đâu người ta nói "sorry" nhiều như ở đó, ngay cả Tây Âu, nơi được coi là có bề dày văn minh. Người ta chẳng may đụng nhẹ vào nhau, cả 2 bên đều quay lại cười và nói "sorry"; hai người tránh nhau cùng về một phía, lỡ bước, họ cười và cũng "sorry". Có hôm, tôi đưa vợ con đi siêu thị cạnh một bờ biển miền Đông. Tôi ra khỏi xe và đứng ngoài chờ vợ con cho thoáng. Đương nhiên là tôi tóc đen, da vàng, nhìn không giống người "da trắng thượng đẳng", nhưng nếu tôi không nhìn ai thì thôi, nếu tôi có bắt gặp ánh mắt của bất kỳ ai ra vào siêu thị thì đa số, tôi nhận được nụ cười thân thiện, bất kể họ da trắng, da nâu hay da màu gì. Cũng không thể phủ nhận là người da trắng tỏ ra thân thiện hơn. Cười với mọi người nhiều, mỏi mồm...., tôi chui vào xe ngồi cho đỡ phải.... chào và cười với mọi người xung quanh mặc dù tôi chẳng quen biết gì họ.
 

Nếu tôi dắt theo một con chó thân thiện thì tôi cũng tin rằng con chó của tôi sẽ thỉnh thoảng được chào hỏi và "welcome" trên đất này.

Ngày xưa, tôi có thời gian dài sống tại Đức, một đêm, đi đường tuyết trơn, chẳng may xe tôi trượt xuống rãnh ven đường. Xe tôi bị nghiêng, tôi chui ra khỏi xe và gọi cứu hộ. Cứu hộ đang di chuyển đến để kéo xe tôi lên. Trời tối, thỉnh thoảng mới có một xe chạy qua. Nhiều người Đức đến nay vẫn tự coi mình là "dân tộc thượng đẳng", đối với một người nước ngoài, nhiều khi, họ cũng chẳng mặn mà, nhất là các dân tộc được cho là lạc hậu như Việt nam.

 

Tuy nhiên, đối với hai chữ..."con người", đến nay, họ vẫn được giáo dục theo một cách khác.

Họ được giáo dục như thế nào?

Đêm khuya, ít xe qua lại nhưng hầu như tất cả các loại xe đi qua chỗ tôi mà phát hiện thấy xe của tôi đang nằm nghiêng, họ đều dừng lại, quay cửa xe thò đầu ra và hỏi: "Brauchen Sie helfen? (Ông cần giúp gì không?). Tôi đều phải nói rằng tôi ổn và đã đang chờ sự trợ giúp từ xe kéo.

 

Trời lạnh, đường tuyết rất trơn, xe kéo cũng phải chạy chậm để đàm bảo an toàn. Họ vẫn chưa đến, thỉnh thoảng, xe lưu thông vẫn qua lại, dừng và hỏi, và tôi luôn phải trả lời với mọi người rằng tôi ổn và mọi người có thể đi tiếp. Trời lạnh, thấy mọi người dừng lại nhiều quá, mà trả lời nhiều cũng ngại, tôi trèo xuống rãnh, chui vào xe ngồi để đỡ phiền mọi người qua lại, để chọ đỡ hỏi và cho nó ấm nữa (vì xe tôi chỉ nghiêng, chưa bị lật nên vẫn ngồi được ở trong).
 

Khổ cái, khi chui vào trong xe ngồi rồi mà vẫn không .... "thoát". Một số xe qua lại không những kéo cửa kính xuống nhìn. Trời tối và lạnh, họ còn đỗ lại, ra khỏi xe, xuống vệ đường và cố tìm xem có ai bị mắc kẹt ở trong xe không.
 

Tôi lại phải chui ra khỏi xe và nói với họ rằng tôi "ok".

Không có cách nào khác, tôi lại leo lên đường, đứng thẳng để cho mọi người nhìn thấy rõ là tôi ok và ra hiệu cho xe cộ đi ngang qua chạy đi nếu họ có ý định dừng lại và hỏi han.

Câu chuyện cảm động trong Clip sau là dàn dựng nhưng nó hoàn toàn miêu tả được văn hóa sống, văn hóa xin lỗi, coi trọng con người ở những nơi tôi đã trải nghiệm, đi qua và sống ở đó khá lâu. Riêng ở Mỹ, tôi chỉ sống có 1 năm. Tôi cũng biết nơi đó không phải thiên đường nhưng tôi cho rằng đó có thể là xã hội tốt đẹp nhất con người có thể tạo ra.

 

Tôi là người Việt, không phải người Mỹ, tôi yêu mảnh đất này, nhưng có lẽ như nhiều bạn khác, tôi buồn khi xem "clip".

Chắc không cần phải giải thích, chúng ta đều hiểu chúng ta buồn vì đều gì.

Chúng ta đã đi sai đường, thưa các bạn!

Tuy là dàn dựng nhưng câu chuyện trên, theo tôi, nó hoàn toàn có thể xẩy ra trên thực tế vì ở Mỹ, nếu có những 3 bằng chứng chống lại bạn (một của người cha, một của 2 đứa bé và của anh quản lý siêu thị) rằng bạn đã xúc phạm trẻ em, vô tình hay cố ý tấn công vị thành niên, làm nhục người cha và người quản lý bằng những câu tục tĩu, cảnh sát rất có thể sẽ có quyền tạm giữ bạn.

Dù bạn vô tình hay hữu ý, tòa án sẽ cho bạn câu trả lời rằng bạn có tội hay không, kể cả bạn vô tình.
Tất nhiên là bạn có quyền thuê luật sư để bảo vệ mình, song người cha của 2 cô con gái nhỏ vẫn có quyền kiện cô gái vì họ có thể bị..."tấn công" từ phía sau, không ai biết lúc đó cô ta cố ý hay vô tình ngoài chính bản thân cô ta.

Và cũng có thể vì lẽ đó mà mặc dù là người Việt nhưng tôi quyết tâm dạy con tôi hiểu thứ văn hóa mà tôi yêu thích đó. Và muốn vậy, có lẽ cách tốt nhất là tôi phải biết nói nhuần nhuyễn ngôn ngữ diễn tả cái văn hóa mà tôi theo đuổi. Tôi luôn cho rằng muốn hiểu biết hết một văn hóa, cách tốt nhất là hiểu biết cặn kẽ ngôn ngữ đó.

Ở nhà, tôi thường yêu cầu các con tôi nói chuyện, giao tiếp bằng tiếng Anh. Có thể là ngớ ngẩn khi mình đang sống ở Việt Nam lại yêu cầu các con nói tiếng Anh trong nhà. Ở nước ngoài, muốn các con nói được tiếng Việt, các ông bố bà mẹ thường bắt các con nói tiếng Việt trong nhà vì sợ các con quên "cội nguồn". Tôi chưa thấy người Việt nào ở Việt Nam, đẻ ở Việt nam, lớn lên mà không biết nói tiếng Việt, nhưng không biết tiếng Anh thì quá nhiều. Vì vậy, khi con tôi ở Việt Nam, đẻ và lớn lên ở đây, điều tôi lo lắng là nó không biết nói tiếng Anh theo đúng nghĩa chứ không phải tiếng Việt. Nó mang quốc tịch nước nào nhiều khi không quan trọng bằng việc nó có hiểu một thứ văn hóa thực sự của con người hay không. Tôi đã từng chứng kiến nhiều người Việt sống rất lâu ở những nơi rất văn minh, nhưng cách hành xử của họ thì mang đậm phong cách của những loài sơ khai.

Bạn có thể là da trắng, da vàng, da nâu, da đen .... mang nhiều quốc tịch khác nhau, việc đó không quan trọng lắm, vấn đề là bạn mang trong mình thứ văn hóa nào mà thôi.

 


Bấm  ĐÂY  để xem clip

 

HQ

Follow us

HUY QUANG PIANO