Hỏi:
Xin chao Huy Quang Piano! tu khi hoc lop 6 em da thich Piano roi nhung gia dinh cam can ! nay em da 18 tuoi muon hoc Piano tu bay gio thi co duoc khong a?! hon nua em lai muon hoc theo truong phai chuyen nghiep thi phai lam sao a?! Em co nguyen vong du hoc nghanh am nhac tu nho nhung do gia dinh phan doi quyet liet nen den gio van chua dinh huong duoc phai lam sao ?! uoc mo nhu vay voi do tuoi nay roi co phai la hao huyen lam khong a?! anh co the tu van cho em duoc khong a ?!
Trả lời:
Đam mê là dưỡng khí của tâm hồn |
Chào bạn,
Có những việc nếu bạn làm lúc nhỏ sẽ dễ dàng hơn khi bạn đã lớn. Đó có thể là ngoại ngữ và âm nhạc..
Ở tuổi 18, bạn bắt đầu học để muốn trở thành một người chơi đàn điêu luyện tôi cho là khó, tuy nhiên, tôi cũng nhìn thấy có bạn lớn như bạn rồi mới học và tôi thấy các bạn ấy chơi rất hay, ít nhất là hơn tôi. Thật là quí khi chúng ta có niềm đam mê. Tôi tin là nếu có đam mê, trong lao động, bạn sẽ có niềm vui, bạn cũng sẽ phải hi sinh vì trong đam mê, ngoài việc thấy những cái lợi thực tế, người ta vẫn thường say mê làm ngay cả cái lợi đó không đáp ứng công sức họ bỏ ra. Tôi có đam mệ học ngoại ngữ mặc dù tôi dốt ngoại ngữ. Tôi thích tiếng Anh, đam mê văn hóa Mỹ mặc dù tôi biết văn hóa đó cũng có nhiều vấn đề như tất cả các nền văn hóa khác, nhưng đối với riêng tôi, nó mang đến cho người ta ít vấn đề nhất và tôi nghĩ những vấn đề đó, tôi chấp nhận được. Có thể đến lúc tôi hiểu thực sự văn hóa đó, tôi sẽ không thích nữa, giống như tôi bây giờ, khi chơi đàn đã kha khá, tôi cảm giác tôi đã không còn đam mê nữa. Hay người ta hay "cả thèm, chóng chán", khi thành công kha khá trong cái gì đó thì thấy nó bình thường, chẳng qua khi mình chưa đạt được thì mình thấy thích mà thôi?
Tóm lại, nếu bạn tự hỏi mình, nếu bạn thực sự đam mê, hãy bắt đầu, đời người theo tôi biết chỉ được sống một lần trên đất (nếu bạn tin có Thiên Đàng), hãy làm điều gì bạn thích.
"Take your passion and make it happen"
Remember : "Without passion, life is nothing"
Hỏi:
Cảm ơn vì đã nhận được hồi đáp của anh. xin được hỏi thêm một chút . Nếu bây mới bắt đầu theo học piano chuyên nghiệp thì phải bắt đầu như thế nào?! Em đã 18 tuổi và điều hiển nhiên là đã quá tuổi thi vào hệ trung cấp chuyên nghiệp của Nhạc Viện và hệ đại học của trường này cũng không tuyển học viên không có bằng trung cấp. Như vậy, nếu không thể theo học ở trường học có bằng cấp chuyên nghiệp thì phải học như thế nào bởi em không phải muốn học Piano để thư giãn mà muốn theo chuyên nghiệp.Hơn nữa em cũng có nguyện vọng du học ngành này, nếu không có bằng cấp nhạc viện thì còn có cách nào thực hiện được ước mơ đó cũng như có bằng cấp quốc tế nào thay thế được cho bằng ĐH hay không? Em không phải hỏi nó có khó hay không mà là hỏi có thể thực hiện được hay không ?! vì ước mơ được học trong học viện âm nhạc ở châu Âu là giấc mơ từ rất nhỏ! Sau khi bị gia đình cấm cản ngay lúc tuổi còn thơ em đã cảm thấy cuộc sống không còn vui nữa! Thật sự mà nói thì từ bé đến nay từ khi gia đình phản đối việc học Piano chưa bao giờ em có được niềm vui thật sự, bởi lẽ em cứ mãi canh cánh trong lòng tại sao họ lại phản đối! câu hỏi đó cứ ám ảnh em và kể từ đó đêm nào em cũng khóc!! Sự cự tuyệt của gia đình khiến cho em hối tiếc cả đời! có phải thật sự đã quá muộn để bắt đầu hay không ?! Chân thành xin ý kiến của anh và xin cảm ơn!
Trả lời:
Chào bạn,
Việt Nam có trình độ âm nhạc cổ điển không tồi so với mặt bằng chung của thế giới. Rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam được đào tạo tại các trường có tiếng về nhạc cổ điển ở Liên xô (cũ). Về âm nhạc cổ điển, nhiều nghệ sĩ ở các nước tư bản phát triển cũng đã có thời học ở Liên xô (cũ), người chơi piano cổ điển mà tôi ngưỡng mộ nhất là Howrowits cũng đã được đào tạo tại đây, tuy nhiên, nếu muốn học nhạc trẻ, Jazz, Pop...thì nên sang Mỹ.
Học chơi âm nhạc cổ điển rất khó, đặc biệt là 2 ngành Violin và Piano, người nghệ sĩ phải làm việc rất vất vả mà hàng ngàn người mới có một người có danh tiếng như Đặng Thái Sơn, mà ngay cả nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, tuy là người chơi nhạc cổ điển rất hay nhưng cũng không phải người giàu có.
Có một nghịch lý là rất nhiều người chơi nhạc cổ điển loại khá thường không cho các con mình học nhạc chuyên nghiệp nữa vì bản thân họ thấy vất vả và không muốn con em mình phải vất vả như họ, nhiều người còn hơi cực đoan, con cái họ hầu như không biết nốt nhạc nào.
Nói vậy để bạn biết nếu gia đình bạn không muốn cho bạn theo nghề này chuyên nghiệp thì cũng có cái lý của họ. Vì yêu thương bạn, họ sợ bạn khổ mà thôi.
Tôi có quen ông bác là giám đốc bệnh viện Bạch mai (bệnh viện lớn nhất trên toàn quốc). Thời bao cấp, ông lựa chọn cho các con mình theo ngành y, ngày đó, bọn trẻ không có nhiều lựa chọn và thường đi theo sự hướng dẫn của gia đình, tuy nhiên, gia đình ông có 4 người con, chỉ có 2 người theo được nghề và giữ một số trọng trách quan trọng trong ngành y. Song có điều, đến đời tiếp theo, tức các cháu của ông Giám đốc kể trên, không đứa nào theo ngành y hết vì theo như lời các anh chị con ông Giám đốc kể, chắc chúng nó thấy bố mẹ, ông bà vất vả quá mà...trốn hết.
Làm ngành gì cũng cần có lương tâm hay đạo đức, nhưng làm trong ngành y mà giữ được mấy chữ đó cho tốt không phải dễ.
Có lẽ, vì vậy mà các cháu ông chọn biện pháp....né :)
Thực ra, làm nghề gì cũng có cái vất vả của nó, nhưng nếu mình có đam mê, sự vất vả sẽ giảm đi rất nhiều.
Bạn muốn học piano chuyên nghiệp khi bắt đầu ở tuổi 18 tôi cho là rất khó khăn, giống như bạn muốn nói ngoại ngữ như người bản xứ, nghe qua điện thoại, không biết bạn là người nước ngoài là công việc vô cùng khó. Piano là nhạc cụ rất khó nếu bạn bắt đầu từ bây giờ. Bạn muốn học đại học thì bạn phải có chứng chỉ trung cấp âm nhạc, bạn có thể lấy các chứng chỉ này ở các trường văn hóa tỉnh, thành phố nhỏ thì nó dễ hơn, rồi dùng chứng chỉ đó làm hồ sơ thi đầu vào ở các trường đại học Âm nhạc ở Tp Sài Gòn, Hà nội hoặc Huế.
Bạn lưu ý, dù bạn có chứng chỉ nào thì thực lực vẫn là quan trọng vì đa số các học viên có bằng trung cấp piano chuyên nghiệp ở Hà nội, Sài Gòn, đặc biệt là Hà nội, các bạn đó chơi rất tốt. Do vậy, dù chứng chỉ ở đâu, bạn vẫn phải chơi tốt thì mới học chuyên nghiệp piano được. Bạn cũng lưu ý rằng muốn chơi tốt để thi được vào đại học piano ở Hà Nội hay Sài Gòn, bạn phải tập tối thiểu khoảng 3 hoặc 4 tiếng mỗi ngày, kéo dài khoảng 4 hoặc 5 năm, sau đó, thi vào Đại học âm nhạc khoa piano, bạn phải học thêm khoảng 4 hoặc 5 năm năm nữa mà nếu so trình độ của bạn với mặt bằng chung của các nghệ sĩ piano chuyên nghiệp tại Việt nam, bạn cũng chỉ là người kha khá. Tôi biết các nghệ sĩ piano dạy học bây giờ trung bình khoảng 200K đến 300K một giờ, vậy, hàng tháng, họ có thể kiếm được vài chục triệu nếu họ ở những thành phố phát triển, tuy nhiên, công sức bỏ ra để có thể trở thành giảng viên piano thực sự không hề nhỏ, nếu 9 năm học đàn, bạn làm kinh doanh kheo khéo, giữ chứ tín cho tốt, không khéo bạn trở thành người giàu, song nghệ sĩ piano giàu có thì tôi không thấy nhiều. Bạn cũng nên lưu ý rằng 9 năm học đàn cũng chưa ăn thua, các nghệ sĩ chơi đàn thực thụ thường mất lâu hơn thế, đa số, họ học từ nhỏ đến lớn, thời gian có thể kéo dài đến mười mấy năm.
Tôi có quen 2 bạn, một bạn học ngoại giao, bạn kia học xây dựng gì đó, bạn học xây dựng học đàn piano từ năm 4 tuổi, chơi piano rất hay; bạn ấy chơi nhạc trẻ. Bạn học ngoại giao cũng bỏ nghề mình học, bạn ấy chơi guitar được 10 năm rồi, bây giờ bạn ấy mở quán, chơi đàn tại quán và dạy học. Quán của bạn ấy tương đối đơn giản và có lẽ hơi bình dân.
Tôi cũng hiểu chuyên nghiệp có nghĩa là mình làm nghề đó là chính và kiếm tiền nuôi sống mình bằng công việc đó. Bạn đó mở quán không làm ngoại giao nữa, dạy đàn và đánh đàn ở quán của mình và đi một số nơi đánh đàn kiếm sống và theo quan sát sơ bộ, tôi thấy bạn ấy không giàu nhưng bạn ấy có đam mê và bạn ấy có vẻ vui vì điều đó. Bạn ấy có bằng cấp về ngoại giao, không có bằng cấp âm nhạc nhưng bạn ấy đang kiếm tiền nuôi sống mình bằng chơi đàn, dạy đàn, vì vậy, có thể coi bạn ấy là người chơi nhạc chuyên nghiệp mặc dù bạn ấy không có bằng cấp về âm nhạc.
Nếu bạn muốn đi du học thì theo tôi hiểu, nếu bạn chịu khó tìm hiểu một số trường tại Mỹ, tôi nghĩ chưa chắc họ đã cần bằng trung cấp âm nhạc để học đại học đâu, nhưng về cơ bản, bạn phải chơi đàn thật tốt thì mới học được mà điều đó cần cường độ làm việc không nhỏ và chắc chắn, bạn phải thi đầu vào, chơi đàn cho họ nghe xem trình độ bạn ra sao.
Vậy, chơi nhạc chuyên nghiệp không nhất thiết phải vào trường chuyên, lớp chọn, nếu bạn muốn làm nhà nước thì bạn cần bằng cấp, song nếu bạn có đam mê, bạn chơi đàn hay thì chẳng cần bằng cấp gì, người ta vẫn tìm đến bạn, miễn là bạn chơi hay.
Xin nhắn nhủ bạn một lần nữa, học đàn nghiệp dư, tôi thấy ít người hối hận, nhưng học để chơi chuyên nghiệp, để muốn kiếm tiền bằng nghề đàn, rất nhiều người ngán ngẩm vì nó vô cùng khó.
Người ta bảo "nghề chơi nó lắm công phu" là vì thế .
Bạn có thể mỗi ngày bỏ ra khoảng 60 phút để tập đàn, bạn vẫn học một ngành nghề nào khác để kiếm tiền. Nếu làm được vậy, tôi tin rằng trong khoảng 10 năm, bạn sẽ chơi không tồi, không khéo lại kiếm tiền được bằng nghề đàn cũng nên.
Làm theo cách đó, bạn vẫn duy trì được đam mê và bạn vẫn có tiền để sống vì người ta không thể nuôi đam mê mà không có tiền, "có thực mới vực được đạo" và theo tôi, giải pháp đó an toàn hơn.
Chúc bạn may mắn và quyết định đúng.
Huy Quang - Piano