Thiện và ác là hai thứ luôn tồn tại trong mỗi con người: một kẻ máu lạnh, buôn ma túy, giết người không ghê tay, nhưng hắn vẫn yêu đứa con mình sinh ra; một người dù tốt đến mấy cũng có lúc ích kỷ, ghét ai đó, đôi khi vẫn giành giật mọi thứ cho gia đình, con cái mình. Người ta bảo "Nhân vô thập toàn" hay người xưa cho rằng "Nhân chi sơ tính bản ác" hay quan điểm ngược lại cho rằng "Nhân chi sơ tính bản thiện"...
Điều đó thể hiện con người không ai xấu hết hoặc tốt hết - cái xấu, cái tốt luôn hiện diện ở nhiều mặt của cuộc sống; nó ở trong nhau, đôi khi đan xen vào nhau.
|
Biểu tượng âm dương nói lên bản chất và mối quan hệ giữa âm và dương: trong ác có thiện, trong thiện có ác ... |
Thuyết "âm dương trong thực tế hiện đại đã được khái quát hóa để chỉ ra hai mặt đối lập nhau trong một sự vật, một hiện tượng" (Thuyết Âm Dương Wiki).
Triết học Marx cũng đã nghiên cứu triết học cổ đại và cũng cho rằng "Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập hay còn gọi là quy luật mâu thuẫn là một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật và là quy luật quan trọng nhất của phép biện chứng duy vật trong triết học Mác - Lênin, là hạt nhân của phép biện chứng. Quy luật này vạch ra nguồn gốc, động lực của sự vận động, phát triển, theo đó nguồn gốc của sự phát triển chính là mâu thuẫn và việc giải quyết mâu thuẫn nội tại trong bản thân mỗi sự vật, hiện tượng."
Và
"Mặt đối lập là những mặt có những đặc điểm, những thuộc tính, những tính quy định có khuynh hướng biến đổi trái ngược nhau tồn tại một cách khách quan trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Sự tồn tại các mặt đối lập là khách quan và là phổ biến trong thế giới. Theo triết học duy vật biện chứng của Engels thì tất cả các sự vật, hiện tượng trên thế giới đều chứa đựng những mặt trái ngược nhau. Ví dụ như: Trong nguyên tử có điện tử và hạt nhân hay trong sinh vật thì có sự đồng hoá và dị hoá, trong kinh tế thị trường có cung và cầu, hàng và tiền. Những mặt trái ngược nhau đó trong phép biện chứng duy vật gọi là mặt đối lập" (Theo wiki).
Trong thế giới, chúng ta thấy có đàn ông - đàn bà, có âm - có dương, có mặt trời - mặt trăng, có ánh sáng - bóng tối, có đêm - có ngày, có lửa - có nước, có chiến tranh - hòa bình. có sự nhân từ và tàn ác ...
Con người chưa hoặc không giải thích hết được các hiện tượng thiên nhiên, nhiều người chỉ nghĩ đến cái "tôi" và cho cái "tôi" chính là vũ trụ, chỉ có những điều chúng ta đã hiểu, điều chúng ta chưa hiểu nhưng không có những điều chúng ta không thể hiểu.
Chúng ta ở đây là chủ thể (subject), là chủ của muôn vật, không có hoặc không tồn tại Chúa hoặc thần linh, mọi việc chúng ta sẽ hiểu hết, vấn đề là khi nào mà thôi.
Có thể nói đó là khái quát của lối nghĩ vô thần - cái "tôi" là Thiên Chúa, là thần.
Những người có thần thì không tin rằng vũ trụ chỉ có riêng ta, chúng ta không thể hiểu hết vũ trụ, ta không phải vũ trụ, thần thánh là ĐẤNG hiểu biết vũ trụ.. "tôi" không phải là thánh thần vì cái hữu hạn của con người.
Ta tạm gọi đó là lối nghĩ hữu thần.
Ta thấy thuyết vô thần và hữu thần, bản thân nó thể hiện sự khác biệt, đối lập và đối nghịch nhau.
Triết học Marx cho rằng qui luật mâu thuẫn, sự đấu tranh giữa các mặt đối lập là cần thiết cho sự phát triển, có nghĩa là không có nó, con người, xã hội, tự nhiên không thể phát triển.
"Mọi sự vật, hiện tượng đều chứa đựng những mặt, những khuynh hướng đối lập tạo thành những mâu thuẫn trong bản thân nó, sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập là nguồn gốc của sự vận động và phát triển, làm cho cái cũ mất đi cái mới ra đời" (Wiki)
Về sự đấu tranh của qui luật mâu thuẫn trong triết học Marx, Wiki viết:
"Các mặt đối lập không chỉ thống nhất, mà còn luôn 'đấu tranh' với nhau. Đấu tranh của các mặt đối lập là sự tác động qua lại theo xu hướng bài trừ và phủ định lẫn nhau giữa các mặt đó. Hình thức đấu tranh của các mặt đối lập hết sức phong phú, đa dạng, tuỳ thuộc vào tính chất, vào mối liên hệ qua lại giữa các mặt đối lập và tuỳ điều kiện cụ thể diễn ra cuộc đấu tranh giữa chúng."
Quan điểm của Thánh Kinh cho rằng con người là xấu và Thiên Chúa là Toàn mỹ, song Chúa lại sống trong anh em, "thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em" (sách I Cô-rinh-tô 6:19-20), trong sự xấu xa của anh em có sự tốt lành của Chúa ở trong.
Con người sinh ra vốn ích kỷ, muốn ăn ngon mặc đẹp, lấy vợ đẹp, ít ai muốn nhường những quyền lợi đó cho người khác.
Do đó, khi ta kỳ vọng vào một Xã hội Cộng sản "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu" là điều không tưởng.
Dạo quanh một vòng, nói những chuyện cao xa, giờ ta đi vào chủ đề:
Đất nước cũng là tổng hòa của các mâu thuẫn, "mâu thuẫn trong, mâu thuẫn ngoài" (theo cách nghĩ của triết học Marx), vậy, việc duy trì một Đảng Cộng sản cho tất cả các hoạt động của đất nước có phải là duy ý chí, trái qui luật ?
Trong từng gia đình, từng con người, chúng ta cũng có mâu thuẫn. Bản thân chúng ta muốn cái nọ, rồi sau đó lại không muốn nữa, yêu cái nọ, rồi lại không yêu nữa; trong gia đình, người thích ông Obama, người không; người cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc là thần thánh, là đáng khâm phục, người không; người cho ông Hồ Chí Minh là "cha già dân tộc", người nghĩ ông Hồ Chí Minh cũng chỉ là con người, cũng "tham, sân, si", cũng có nhiều sai lầm như bao người khác ...
Ngay cả vợ chồng, con cái, nhiều khi cũng có quan điểm trái ngược trong cùng một vấn đề, anh không thể lúc nào cũng đúng vì anh không phải là thánh, nếu tự coi mình là thánh thần, tôi cho đó là một cách tư duy tồi.
Mâu thuẫn tồn tại khách quan dù anh có muốn hay không, mâu thuẫn trong bản thân chúng ta khi chúng ta tìm cách giải quyết một vấn đề; mâu thuẫn trong gia đình, giữa cha mẹ, con cái; mâu thuẫn ngoài gia đình, với xã hội; mâu thuẫn trong cùng một quốc gia, mâu thuẫn giữa các quốc gia có cùng "định hướng", khác "định hướng"....
Mâu thuẫn là tất yếu theo nhiều quan điểm triết học, trong đó có triết học Marx.
Vậy, trong một sân chơi, nếu anh "vừa đá bóng, vừa thổi còi", không có người phê bình, giám sát, chỉ có "phê và tự phê" ( ta có thể hiểu sang nghĩa khác là "sướng và tự sướng"), không có đối kháng để kiểm tra việc anh làm đúng hay sai, mọi cái anh làm đều "sáng suốt", đều "thành công rực rỡ" thì thử hiểu xem đó là tư duy gì ?
Ta nhắc nhớ là: "Đấu tranh của các mặt đối lập là sự tác động qua lại theo xu hướng bài trừ và phủ định lẫn nhau" (triết học Marx - Đấu tranh giữa các mặt đối lập, Bách khoa toàn thư mở Wiki)
Trong bài phát biểu trước hàng ngàn cử tọa tại Hà nội ngày 24/5/2016, Tổng thống Obama nói:
"Chúng tôi vẫn có vấn đề và vẫn bị chỉ trích; tôi cam đoan với các bạn, tôi nghe những lời chỉ trích đó hàng ngày.
Nhưng chính sức ép đó, những tranh luận mở đó, việc đối mặt với những khiếm khuyết của chính mình, và việc cho phép mọi người đều được có tiếng nói, đã giúp chúng tôi lớn mạnh hơn, thịnh vượng hơn, và công bình hơn".
Trong phát triển kinh tế, nếu anh nôn nóng, phát triển không bền vững thì hậu quả của nó sẽ khôn lường.
Anh có đại diện của anh, tôi có đại diện của tôi, anh thích Obama, tôi không thích; anh thích ông Hồ Chí Minh, tôi không; anh thích Đảng Cộng sản, tôi không thích; anh thích ông Nguyễn Phú Trọng, tôi cho ông quá lẩm cẩm, không phù hợp lãnh đạo đất nước trong giai đoạn mới; anh cho những trí thức, nhân sĩ yêu nước là kẻ phản động, tôi kính trọng họ, sự hi sinh của họ vì một Việt nam tốt hơn ...
Người có quan điểm trái ngược có thể là anh em, ông bà, bố mẹ bạn ...
Không phải họ đúng hết hay sai hết, không có gì là hoàn hảo cả, có thể trong mớ hỗn độn bạn nhận được từ một tư duy khác với bạn, bạn có thể lọc được điều gì đó bạn chưa biết.
Tôi là kẻ không tin vào mớ triết học hỗn độn, song tôi thử đặt địa vị tôi vào họ, viết và tư duy dựa trên lối suy nghĩ của họ như trên xem nó có mâu thuẫn không.
Đã đến lúc, chúng ta phải chấp nhận sự khác biệt để phát triển. Nếu tất cả chúng ta đều im lặng, chúng ta sẽ tự dẫn tất cả chúng ta và con cái chúng ta đến diệt vong.
Trong xu thế chung của sự phát triển, nếu anh làm ngược lại, có thể anh là "tội đồ lịch sử"...
Trong một chuyến thăm mộ và nơi làm việc của bác sĩ Alexande Yersin tại Suối Dầu và Hòn Bà, Nha Trang, tôi có hỏi các con tôi rằng:
- Nếu các con sống và mất đi, nhưng đến hơn 150 năm sau, tính từ ngày sinh của các con, người ta vẫn đến thăm mộ của các con, nói về các con với lòng biết ơn và tôn kính, các con có vui không ?
- Có
Chúng nó trả lời.
Bác sĩ Yersin được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương cao quí nhất của Nhà nước Pháp Bắc Đẩu Bội Tinh và được Chính phủ Việt nam coi là công dân danh dự và đặt tên cho các con đường tại tại Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt,Thủ Dầu Một và Thành phố Hồ Chí Minh để tưởng nhớ đến công lao, cống hiến của ông (Wiki ) |
Và chỉ vì sự kiêu ngạo của bản thân, nhiều kẻ sống và chết đi, người ta nguyền rủa đến cả đời con cháu, con cháu họ sinh ra không dám mang tên tổ tiên, giấu diếm nguồn gốc của mình vì sợ nhục và sự nguyền rủa của người đời.
Bạn nghĩ sao?
Ở Đức, bây giờ bạn sẽ rất khó khi tìm thấy ai còn có họ tên là Hitler vì đã có một kẻ quá ngông cuồng và bẩn thỉu đã mang cái tên đó.
Hắn là tội đồ lịch sử, đã, đang và sẽ bị nguyền rủa đến muôn đời.
Adolf Hitler |
Mâu thuẫn của mỗi chúng ta, của gia đình, xã hội, thế gian là thứ tồn tại khách quan, dù ta có muốn và thích hay không. Cũng như thiện và ác, ánh sáng và bóng tối, chúng ta đứng về phía nào là lựa chọn của mỗi người.
Chúa Trời cho chúng ta quyền lựa chọn đó vì chúng ta là con người, không phải cỗ máy, bảo sao làm vậy.
Tôi có thể là kẻ theo triết học "Hữu thần" sẽ mâu thuẫn với những người Vô thần.
Đó là "mâu thuẫn ngoài" theo quan điểm triết học Marx.
Tôi là người hữu thần cũng mâu thuẫn với những người hữu thần khác giống như người theo đạo Chúa Giê su mâu thuẫn với người theo đạo Hồi nói chung.
Trong trường hợp này, có thể coi là "mâu thuẫn trong" theo quan điểm triết học Marx.
Tôi là người tin vào Chúa Giê su, chúng tôi cũng mâu thuẫn với những người có chung niềm tin vào Chúa Giê su và chúng tôi cũng đấu tranh với nhau để tìm giải pháp tốt hơn; đó có thể coi là mâu thuẫn trong.
Tôi tin Chúa Giê su, bạn khác tin vào Thánh Ala, trong trường hợp này, so sánh với mâu thuẫn trong của tôi với những người cùng niềm tin vào Chúa Giê su, mâu thuẫn của tôi với anh bạn tin Thánh Ala là mâu thuẫn ngoài.
Một mâu thuẫn có thể lúc này ta coi là mâu thuẫn ngoài, nhưng trong lúc khác có thể coi là mâu thuẫn trong hoặc ngược lại, tùy vào việc ta chúng ta so sánh với cái gì.
Dù mâu thuẫn nào, đúng hay sai, phải hay trái, ta đều thấy có trắng phải có đen, có phải thì có trái, có âm thì có dương, có thiện, tất có ác ...
Và một điều rất rõ rằng người Vô thần từ xa xưa đã không thích thú gì với quan điểm Hữu thần, cụ thể hơn, người Cộng sản không thích quan điểm của Cơ đốc giáo và những người tin vào Chúa Giê su.
Xét cho cùng, người Cơ đốc giáo dường như là kẻ thù số một của triết học Marx.
Và đến hôm nay, có lẽ kẻ thù số một của Nhà nước Hồi giáo tự xưng là tất cả những người vô thần và tất cả những kẻ Hữu thần nhưng không tin vào Thánh Ala, đặc biệt là Cơ đốc Giáo.
Chúng căm ghét những người Vô thần và hữu thần khác, đặc biệt là Cơ đốc nhân.
Chúng ta đang đứng ở đâu và đang ở mảng nào của các mâu thuẫn ?
Trong bức thư gửi mẹ của Bác sĩ Yersin, ông viết:
"Con thấy rằng kiểu gì chăng nữa thì con cuối cùng cũng sẽ dấn thân trên con đường thám hiểm khoa học. Con quá yêu thích điều đó, hẳn mẹ còn nhớ giấc mơ thầm kín của con là được dõi nhìn từ xa dấu chân Livingstone."
(Lingvingstone, nhà thám hiểm, bác sĩ, mục sư người Anh, sống trước Bác sĩ Yersin nửa thế kỷ)
Trong cuộc đời của mình, Yersin coi công việc của mình là Mục vụ - sứ mệnh của Chúa.
Theo quan điểm Cơ Đốc, Mục vụ là sứ mạng thiêng liêng được ủy thác để phục vụ người khác, theo gương của Chúa Giê-xu:
"Con người đã đến, không phải để người ta phục vụ mình, nhưng để phục vụ người ta, và phó mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người." -
(Phúc âm Ma-thi-ơ 20: 28)
Và đó mới chính là cái đích cần đến của những ai còn tin vào Chủ nghĩa Cộng sản.
Hà nội 25 tháng 5 năm 2016 (đọc và sửa ngày 1/2/2020)