» Tin tức » Học nhạc ở đâu và học phương pháp nào?

 

 

Học gì cũng vậy, nếu bạn thấy tầm quan trọng của nó thì thường là bạn sẽ quyết tâm. Trong bài viết “Có nên học âm nhạc không và học nhạc cụ gì?”, tôi đã đề cập tầm quan trọng của việc học nghệ thuật đối với sự cân bằng của não. Tuy nhiên, quyết tâm chưa đủ vì giống như sức bạn chỉ có thể nâng được 50 kg và nâng 10 lần, người ta yêu cầu bạn nâng 60 lần thì bạn không thể. Quyết tâm lúc đó cũng vô ích vì nó quá sức. Não người cũng vậy, “sức nâng” lúc đó mà yếu thì nhồi nhét cũng vô dụng. Vị vậy, ta cần phương pháp.

Như tôi đã kể chuyện leo cầu thang bộ lên tầng 29 trong bài “Học âm nhạc thế nào để đạt mục đích?”. Học gì, làm gì cũng vậy, muốn đi được xa, không có cách nào khác là phải kiên trì, từ tốn và kết hợp nghỉ ngơi đúng cách để giữ được sức để đi. Ngoài những cái đó ra, học ở đâu, theo phương pháp nào cũng rất quan trọng.

 

Có rất nhiều người chăm chỉ và kiên trì, nhưng nếu phương pháp học saingười hướng dẫn (tức thầy cô) sai thì cũng không đi đến đâu.

 

1. Phương pháp học thì tôi đã bàn tới trong 2 bài viết là mình có xác định là việc đó quan trọng hay không - “Có nên học âm nhạc không và học nhạc cụ gì?”, và học theo cách nào - “Học âm nhạc thế nào để đạt mục đích?”.

 

Có câu tiếng Anh tôi rất thích: “Nobody is to busy, it’s just the matter of priority” – Không ai quá bận rộn cả, đó chỉ là vấn đề của sự ưu tiên.

Nếu ai bảo bạn là: "Tôi bận quá, không đến thăm bạn được!" thì có thể là chưa đúng vì nếu người đó thấy việc đi thăm bạn là quan trọng hơn những việc bạn ấy đang làm trong thời gian qua thì bạn ấy đã đến thăm bạn rồi. Vấn đề là việc đến thăm bạn chưa được đặt ưu tiên trong các công việc của bạn ấy trong thời gian đó mà thôi. Đó là câu cửa miệng mọi người hay nói. Có những người nhầm lẫn, chưa biết đưa việc gì ưu tiên hàng đầu nào lên để làm trước...

Thí dụ, nhiều người nghĩ mình quá bận rộn nên ít thời gian về thăm cha mẹ, sau đó họ hối hận vì đã chưa biết đặt những công việc ưu tiên nào lên để thực hiện trước.

 

Vậy, nếu bạn chưa thấy nghệ thuật hoặc âm nhạc là quan trọng, hãy dành chút thời gian đọc thêm phần tôi đã đề cập ở trên:  “Có nên học âm nhạc không và học nhạc cụ gì?”.

Còn học theo cách nào thì có cách là từ tốn, chậm chắc, nghỉ ngơi đúng cách như trong bài viết: “Học âm nhạc thế nào để đạt mục đích?”.

 

2. Người hướng dẫn (tức thầy cô) sai.

Thứ nhất: Thầy cô sai cũng là một thảm họa đối với người học âm nhạc nói riêng và tất cả mọi lĩnh vực nói chung. Giáo viên dạy sai làm hao tổn nguồn lực xã hội khủng khiếp vì như bạn biết, sức người và tuổi trẻ có hạn, khi bạn đã mất công đi một chặng đường sai và hao tổn sức lực, tinh thần, khi học lại, bạn sẽ phải đi đoạn đường khác cũng dài không kém mà lúc đó, sức khỏe và tinh thần của bạn không còn như xưa.

Đối với âm nhạc, nếu một giáo viên tồi dạy bạn, bạn sẽ hiểu sai, thế tay bị sai và sau này nó sẽ bị lệch lạc giống như người ta ghép một cái cây bị cong lúc nhỏ, khi lớn lên, vết cong đó sẽ càng rõ ràng hơn và khó nắn hơn. Khi học ngoại ngữ, nếu bạn được học người bản xứ, họ sẽ nói đúng giọng, tất nhiên giá thành sẽ cao hơn. Nếu bạn học phát âm sai, đôi khi bạn đọc sách vẫn hiểu, nhưng khi bạn nói chuyện với người bản xứ, có thể họ sẽ không hiểu bạn nói gì.

Âm nhạc cũng vậy, trong âm nhạc có nhiều chuyên ngành – sáng tác, biểu diễn, lý luận, chỉ huy… Nói chung, các chuyên ngành âm nhạc đều phải học piano như một môn bắt buộc như kiểu học ngoại ngữ thì môn bắt buộc vẫn là tiếng Anh dù anh theo chuyên ngành ngôn ngữ nào. Song, nếu bạn học tiếng Anh mà được học thầy cô giáo chuyên ngành tiếng Anh thì đa số là họ chuyên nghiệp hơn. Nói vậy, không phải các thầy cô giáo chuyên ngành tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha… đều kém tiếng Anh. Nhiều người do năng khiếu và chịu khó học hỏi, người ta dạy tiếng Anh vẫn đúng giọng, hoàn toàn chấp nhận được mặc dù họ không phải chuyên ngành tiếng Anh, nhưng không phải lúc nào cũng thế, nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay.

 

Vậy, nếu có thể, nếu học đàn piano, hãy chọn cô thầy giáo chuyên ngành piano. Nếu cô thầy giáo ở chuyên ngành khác, hãy vừa học vừa để ý xem bạn hoặc con em bạn phát triển có tốt không, tham khảo những nơi khác, để con em mình chơi cho những người chuyên piano nghe, có thể họ sẽ có ý kiến chuyên môn xác đáng.

Nhiều người cho rằng: “Ôi dào, con tôi học chơi cho biết, tôi cũng không quan trọng…”.

Tôi không nghĩ vậy!  Nếu con bạn học tiếng Anh mà học phải ông thầy nói người Anh không ai hiểu thì con bạn cũng vậy, nó đã học được ít, mà nói người ta lại cười, không ai hiểu... thì tôi nghĩ là không nên học ngay từ đầu.

Tôi đã nhiều lần thấy một số bạn nhỏ chơi những bài kinh điển và nối tiếng của những nghệ sĩ lớn mà tôi không thể chịu được, kiểu như học họa, vẽ con chó lại thành con cáo.

Học piano của những giáo viên chuyên piano ở Hà nội, thành phố Hồ Chí minh và thành phố Huế (trong thời điểm tôi viết bài này) thường là từ 300 000 vnđ/tiết (45 phút) trở lên, thậm chí nhiều thầy cô vì một lý do chuyên môn nào đó có thể lấy 40 usd/tiết (tương đương khoảng hơn 900 ngàn vnđ/tiết học).

 

Riêng ở Hà Nội, học phí học giáo viên chuyên nghiệp khoảng từ 400 000 vnđ/tiết trở lên, ít người dạy 300 000 vnđ/tiết. Hơn nữa, học viên phải đến nhà thầy cô hoặc đến Trung tâm âm nhạc (do thầy cô tự tổ chức hoặc đơn vị khác tổ chức) để học. Các giáo viên piano chuyên nghiệp rất ít khi đến nhà học viên để dạy.

Tôi nghĩ là có mấy lý do:

Một là giáo viên piano chuyên nghiệp thường có nhiều học sinh học nên họ không có nhu cầu đi ra ngoài dạy. Lý do tôi cho là quan trọng không kém là sĩ diện nghề nghiệp. Học piano chuyên nghiệp để thành nghề rất khó, lao động nghệ thuật rất vất vả nên khi thành nghề, đi đến nhà học viên để dạy, thường phụ huynh và học viên không đánh giá đúng giá trị của công việc nên đa số là khá lơ là, trường hợp có chút coi nhẹ là không hiếm....Vì vậy, đôi khi cách ứng xử của phụ huynh và học sinh có thể làm tổn thương người làm âm nhạc vốn dĩ đã là nghề nhạy cảm.

 

Vậy, mong các bạn đặt đúng vị trí của công việc để cảm hứng của thầy cô chuyên ngành được gìn giữ !

 

Thứ hai: Âm nhạc là sáng tạo. Trong âm nhạc, cơ bản có 2 trường phái lớn là chính thống nói chung và nhạc dân dã (nhạc của nhân dân, hay có thể coi là nhạc Jazz).

Nhạc chính thống thường được dạy trong các Nhạc viện, Học viện, Viện nghiên cứu, nhạc dân dã thì học từ nhân dân, sau này, người ta cũng đúc kết và đưa vào trường để dạy.

Đối với tôi, dòng nào cũng hay và khó nếu bạn học đến nơi đến chốn. Bạn học nhạc chính thống để biết truyền thống, văn minh âm nhạc nói chung; bạn học nhạc Jazz, nhạc dân dã để chơi cái của mình, biến cái bạn học được trở thành cái của bạn, phục vụ chính bạn và phục vụ gia đình và cộng đồng. Bạn học dòng nào thì cũng nên tìm thầy cô chuyên nghiệp theo đúng nghĩa, và nếu chuyên nghiệp thì thường là không rẻ và họ cũng cần sự tôn trọng.

 

Tôi chọn cho con cái mình cả 2 dòng nhạc và tôi cho các con tôi bắt đầu bằng dòng chính thống rồi sau đó xen kẽ.

Việc đưa đón, học phí, sắp xếp thời gian là hoàn toàn không dễ, vì vậy, tôi tìm mọi cách để đơn giản hóa vấn đề nhưng cơ bản là tôi phải để ý đến việc này.

 

Tôi làm như sau:

1. Khi cho con học, nhất định tôi phải tìm người chuyên về lĩnh vực con tôi đang theo đuổi, thầy cô phải đạt chuẩn, giống như học tiếng Anh, thầy cô của các con phải là người bản xứ hoặc người nói ngôn ngữ thứ 2, nhưng phải khá tốt đến tốt.

2. Nếu tôi hết tiền cho con tôi theo học, tôi sẽ cho con tôi nghỉ một thời gian hoặc học 2 tuần một tiết, 1 tháng 1 tiết... Nếu nghỉ, tôi ở nhà đốc thúc các con tập tành theo những gì các thầy cô dạy trước đó và dứt khoát không bỏ cuộc, khi nào có điều kiện hoặc có tiền, tôi cho các con học tiếp.

Tôi biết có một bạn gái ở Đà Lạt, do trình độ thầy piano ở đó không được như các thành phố lớn nên bạn ấy hàng tháng đi xe liên tỉnh xuống Sài gòn học piano lên tới 900 000 vnđ/tiết. Thời gian đi lại cả đi lẫn về lên tới 14 đến 15 tiếng (cả chờ đợi), chưa kể chi phí. Tôi được tiếp xúc với bạn ấy và thấy bạn ấy chơi rất tốt. Bây giờ, có một số giáo viên có chuyên môn cao nhưng đồng ý dạy piano qua mạng. Tôi nghĩ bạn ấy không cần phải đi như thế nữa, bạn ấy có thể học qua mạng, thay vì 1 tháng đi Sài Gòn một lần thì có thể 2 tháng một lần, vấn đề là bạn ấy phải còn đam mê, cảm hứng, hơn nữa, bạn ấy phải coi việc đó là cần thiết.

 

Nếu tôi quá bận, không đưa con tôi đi học được (hoặc tôi ở tỉnh xa) tôi sẽ tìm cách cho các con học qua mạng theo cách đó. Hiện, nhiều giáo viên chuyên nghiệp chấp nhận dạy qua mạng từ ngày có dịch Covid 19. Đây là xu hướng nên phất triển mặc dù dạy piano qua mạng là việc khá bất tiện đối với ngành nghề này, đặc biệt cho thầy cô bởi âm thanh nghe qua mạng thường khó hướng dẫn hơn ngồi trực tiếp với học viên.

Học phí học qua mạng (một thầy một trò) hiện nay có thể duy trì với mức 300 000 vnđ/tiết học 45 phút. Tương lai thế nào tôi chưa biết .

 

Hi vọng bài viết giúp ích cho các bạn !

 

 

HQ

 

 

Tham khảo:  Mua đàn cơ hay đàn điện?

Follow us

HUY QUANG PIANO