» Dịch vụ » Dịch vụ tư vấn bảo quản đàn piano

 

Bảo quản đàn Piano như thế nào?

 

Vừa qua, chúng tôi có đợt kiểm tra các đàn piano chúng tôi đã bán, rất nhiều khách hàng cắm ống sấy thường xuyên. Chúng tôi không biết tại sao mặc dù chúng tôi đã ghi rõ trong phiếu bảo hành là chỉ cắm ống sấy khi đàn có hiện tượng tịt hoặc không kêu.

Đàn piano sấy nhiều sẽ làm búa và gỗ đàn khô, sẽ cong vênh, âm thanh sẽ đanh và cụt, chốt giữ dây đàn sẽ ảnh hưởng do gỗ co ngót, đàn sẽ "xơ xác" và âm thanh sẽ không đẹp nữa.

Đàn piano cơ như cây hoa, nó cần độ ẩm nhất định để giữ sự ổn định của gỗ và dạ, đàn sấy nhiều như hoa để khô mà chết, ẩm quá thì cũng úng nước mà cũng chết. Thường, độ ẩm khoảng 40% là phù hợp với đàn.

 

 

Chúng tôi có đối tác Nhật sang Việt Nam làm ăn một thời gian, đàn của họ được tân trang rất bài bản. Khi về nước, họ có nhờ chúng tôi bảo hành những chiếc đàn họ đã bán tại Việt nam. Có chiếc đàn bị ẩm liên tục, kỹ thuật viên người Nhật đến nhiều lần và dứt khoát không cho người nhà lắp ống sấy và chỉ cho mấy gói hút ẩm to vào trong đàn. Kết quả là đàn vẫn tịt và chủ nhà vẫn gọi đến bảo hành. Chúng tôi đến và đề nghị lắp ống sấy vì khí hậu Việt nam nhiều nơi nóng ẩm, chỉ cho gói chống ẩm, đàn sẽ không đảm bảo độ khô ráo và dễ bị tịt nốt. Sau nhiều lần bị gọi bảo hành, kỹ thuật viên Nhật đồng ý cho chúng tôi lắp ống sấy, và từ đó, họ không bị gọi bảo hành nữa.

Nói vậy để thấy việc lắp thêm ống sấy cho đàn là bất đắc dĩ do nhiều nơi ở Việt Nam có độ ẩm quá cao, đàn piano phải được xử lý theo cách phù hợp với thời tiết vùng miền, tuy nhiên, nếu lạm dụng ống sấy, đàn sẽ mau hỏng.

Chúng tối thấy một số thợ đến sửa chữa, bảo hành đàn thường yêu cầu khách hàng cắm ống sấy liên tục, tháng nọ sang tháng kia, năm nọ qua năm kia. Việc này có vẻ có lợi cho nhà cung cấp vì nếu cắm ống sấy thường xuyên, đàn sẽ luôn kêu, không tịt và khách hàng sẽ không gọi bảo hành. Tuy nhiên, làm vậy sẽ không tốt cho đàn. Tâm lý khách hàng thì chỉ thấy đàn tịt thì mới nghĩ là đàn hỏng, còn đàn sai dây (đa số khách hàng không nghe thấy), cứ thấy đàn kêu thì nghĩ là ok.

Thực ra, đàn nào chẳng kêu, vấn đề là nó kêu có hay không mà thôi. 

Nghệ thuật là thể hiện cái đẹp ở mức độ khác nhau, cũng một chiếc đàn Yamaha U1 chẳng hạn, nếu là đàn cũ thì khả năng bảo quản, phục chế của mỗi cửa hàng, mỗi người thợ mỗi khác, chứ không phải cứ đàn piano Yamaha U1, cái rẻ nhất là mua vì nghĩ rằng cứ model U1 thì âm thanh nó giống nhau. Nếu bạn mua đàn mới, cùng một model thì nó tương đối giống nhau nhưng nếu bạn mua đàn cũ thì như đã nói, nó phụ thuộc vào việc nó đã được dùng nhiều hay ít, ai là người phục chế chúng...

 

Sau đây là cách bảo quản đàn piano thông thường

Việt Nam có điều kiện thời tiết nóng và ẩm. Vì vậy, để sử dụng và bảo quản đàn Piano có được âm thanh tốt, tuổi thọ bền, bạn nên tuân thủ một số việc sau:

1. Không để đàn quá sát tường, nên cách ra tối thiểu khoảng 3 cm để âm thanh có thể thoát ra từ phía sau đàn, tránh ẩm mốc, côn trùng tấn công khi tiếp xúc với tường.

2. Không nên để đàn ở gần vị trí nóng ẩm như bể nước, nhà tắm, nhà bếp, bể bơi...

3. Vào mùa mưa ẩm, nồm, nên cắm ống sấy khi đàn tịt để những bộ phận được cấu tạo bằng dạ ở trong đàn giữ được trạng thái tiêu chuẩn (dạ gặp độ ẩm cao sẽ hút nước và trương lên sẽ làm cho các khớp chuyển động bị kẹt).

Những gia đình để đàn ở trong phòng có máy lạnh thì tuỳ theo mức độ sử dụng máy lạnh có thường xuyên hay không để cắm ống sấy hoặc theo dõi khi thấy độ nhạy của phím kém, kẹt thì cắm ống sấy 24h/24h, và có thể cắm 1 tháng (có thể 2 hoặc 3 tháng) theo dõi xem phím đàn có bị tịt hay không để quyết định thời gian cắm ống sấy.

Nếu phím đàn đã hoạt động tốt, bấm xuống là kêu thì có thể duy trì cắm ống sấy thêm một hoặc vài tuần rồi rút ống sấy ra .

Trong điều kiện độ ẩm Việt Nam nói chung, người ta thường sử dụng ống sấy có xuất xứ từ Trung Quốc, điện năng tiêu thụ 20w (bằng một bóng đèn nhỏ) .

Ống sấy (pianoheater)  thường có giá  250 000 vnđ/cái và có bán tại các địa điểm giao dịch của chúng tôi.

Ống sấy của Trung Quốc có Nhãn hiệu Pearl River là loại ống sấy tốt và hầu như không xảy ra hỏng hóc trong vòng vài năm sử dụng.

 

 

Bạn không nên cắm ống sấy quá nhiều, cắm 24h/24h nhưng lại cắm hết tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác, ngay cả trong mùa khô vì cắm ống sấy quá nhiều sẽ làm đàn bị khô, gỗ, dạ và búa đàn bị ngót quá, búa cứng lại sẽ làm đàn bị đanh tiếng, các chốt giữ dây cũng sẽ bị ảnh hưởng do gỗ bị ngót, khả năng giữ dây của đàn sẽ kém hơn.

Đàn cần độ ẩm vừa:

Chế độ sấy đối với đàn như nước đối với hoa - nước nhiều hoa chết, sấy quá nhiều, đàn sẽ khô, tiếng sẽ đanh, chốt giữ dây sẽ lỏng, đàn sẽ không hay nữa; mà không sấy thì đàn ẩm quá cũng không tốt. Độ ẩm tiêu chuẩn lý tưởng cho đàn piano cơ được cho là khoảng 40%.

Tuy nhiên, nếu đàn không tịt, chơi vẫn phát âm thanh bình thường thì cũng chẳng phải sấy. Có thể chiếc đàn đó có cấu tạo ít nhạy cảm với thời tiết hơn hoặc nó đã và đang được để trong một môi trường khô ráo, sạch sẽ giống như một cây hoa được trồng cạnh nguồn nước thì không tưới nó vẫn sống.

Nếu tịt, phím không nhạy nữa thì có thể cắm ống sấy vài ngày, vài tuần, một, hai hoặc 3 tháng.

Nếu cắm hàng tháng hoặc vài tháng mà cũng không thấy biến chuyển gì thì nên gọi thợ để kiểm tra.

4. Nếu đàn có tần suất sử dụng thấp (khoảng 60phút/ngày) thì từ 8 đến 12 tháng nên cho thợ chuyên môn kiểm tra một lần để lên dây, chỉnh lại máy.

Giá lên dây (bao gồm chỉnh máy sơ bộ) trên thị trường khoảng từ 600 000 vnđ.

Giá lên dây dành cho những người có yêu cầu cao sẽ khoảng từ 700 000 vnđ đến 2 300 000 vnđ.

Khách hàng có thể yêu cầu lên dây, kiểm tra đàn sơ bộ, thời gian làm việc khoảng từ 15' đến 40 phút, chi phí sẽ khoảng từ 150 000 vnđ đến 300 000 vnđ, tùy theo yêu cầu của khách.

Nếu thợ phải đi xa, phải sửa chữa những hỏng hóc khác, chi phí sẽ cao hơn, xin tham khảo ở ĐÂY để biết thêm thông tin.

 


 

5. Sau khi dùng xong nhớ đậy khăn phủ phím và đậy nắp bàn phím.

6. Không làm sạch đàn bằng nước, nên làm sạch đàn bằng chổi phất trần và khăn mềm (bề mặt trơn).

7. Không tự ý tác động vào các phần cơ phía trong của đàn.

8. Không để mối, kiến, gián, đặc biệt là chuột vào trong đàn.

Với đàn có xuất xứ từ Nhật, dưới Pedal đàn có duy nhất 3 lỗ nhỏ là nơi duy nhất chuột có thể vào - nên nhét miếng mút vào đó để chuột không chui vào và thỉnh thoảng nên kiểm tra xem miếng mút có còn không.

Nếu phát hiện thấy có tiếng chuột bên trong đàn thì nên gọi ngay thợ chuyên môn.

9. Nên phủ khăn trên đàn để khi để đồ vật lên trên không làm cho đàn bị xước.

Không nên để lọ hoa có nước lên trên nóc đàn vì nếu lọ hoa đổ, nước sẽ chảy trực tiếp vào búa (bằng dạ) của đàn, búa sẽ bị trương lên và bắt buộc phải thay thế.

Chi phí thay búa khoảng 400 usd (bao gồm tiền mua búa Nhật khoảng 300 usd và công thay khoảng 100 usd). Bạn phải đợi hàng tháng để chúng tôi nhập búa về (vì không phải đàn nào lắp búa cũng giống nhau vì có rất nhiều chủng loại đàn), chúng tôi chỉ thay cho những đàn chúng tôi bán ra và gặp phải sự cố kể trên.

 

Nếu bạn có nhu cầu sửa chữa, lên dây bảo dưỡng định kỳ, xin liên lạc theo số điện thoại tại các địa điểm giao dịch của Công ty, tùy theo tỉnh thành.

 

Follow us

HUY QUANG PIANO