» Tin tức » Nên mua đàn Piano cơ hay điện?

 

 

Một âm thanh vang lên thường có độ cao. Ngoài độ cao, nó còn có âm sắc (hay màu sắc của âm thanh). Tai người thường chỉ nghe thấy một độ cao trong âm thanh đó, tuy nhiên, trong âm thanh đó thực ra có nhiều độ cao (hay nhiều thành phần âm thanh khác nhau - gọi là bồi âm, bội âm hay hoạ âm). Những hoạ âm đó quyết định màu sắc của âm thanh để nó giống giọng người, tiếng Violin, guitar hay tiếng piano… Nếu một âm thanh có hoạ âm ít, không đặc trưng cho âm thanh nó định miêu tả thì được gọi là âm thanh không hay, nghèo nàn, mảnh và khô…Giống như nước dùng của phở chỉ có gia vị kiểu mỳ chính, vị phở và nước mắm thì tuy nó cũng ngọt giống nước phở nhưng người ăn sẽ không cảm thấy ngon, đôi khi cảm thấy khó chịu. Khái niệm về chất lượng, màu sắc của âm thanh cũng không khác gì.

Piano điện là những dòng đàn dùng kỹ thuật âm thanh điện tử để mô phỏng âm thanh của chiếc piano cơ (acoustic piano). Piano cơ là dòng piano tự phát ra âm thanh nhờ lực ngón tay bấm vào phím đàn làm búa dạ của đàn gõ vào dây, gây rung động. Rung động dây được truyền dẫn qua ngựa đàn vào bảng âm để tạo ra rung động mạnh hơn, tạo âm thanh vang xa. Tóm lại, piano cơ không cần dùng năng lượng điện vẫn phát âm thanh.

 

Âm thanh điện tử thường không mô phỏng đầy đủ chất lượng của âm thanh mà chiếc nhạc cụ thật (acoustic instruments) vốn có. Lợi thế của nhạc cụ điện tử là nhỏ gọn, dễ mang vác lên sân khấu, hội hè. Nó còn được gọi là "stage instruments" (nhạc cụ sân khấu). Nhiều nhạc cụ điện tử đắt tiền tích hợp nhiều âm sắc của các nhạc cụ khác nhau; có nhiều tiết tấu hay của nhân loại cùng phần đệm phù hợp để tiện lợi cho người chơi khi biểu diễn.  Phương pháp này theo tôi sẽ tiện lợi theo kiểu “mỳ ăn liền” hơn là tạo ra một cảm xúc chân thực từ sự tuyệt vời của âm thanh thật. Nếu nhạc cụ điện tử thay thế được các nhạc cụ thật thì có lẽ dàn nhạc giao hưởng đã được giải tán từ lâu. Tuy nhiên, các nhạc cụ thật vẫn tồn tại cho đến ngày nay, giữ nguyên giá trị.

 

Nhạc cụ điện tử ở Việt Nam:

Có thể do kinh tế đang còn eo hẹp cùng với cách chi tiêu vẫn đặt giá cả lên hàng đầu trong việc mua bán của nhiều khách hàng nên nhạc cụ điện tử (điển hình là piano điện cũ) đang được bán tràn lan trên thị trường. Việc đáng nói là nếu những chiếc piano điện còn mới, chính hãng thì ít nhất, nó có thể đạt tiêu chí sơ đẳng là bấm nốt thì nó kêu giống nhạc cụ thật. Song ở đây, nhiều người dùng chỉ muốn đầu tư trên dưới 10 000 000 vnđ mà lại muốn nó đẹp và có tính năng tốt một chút. Việc đó không thể thực hiện vì chi phí để tạo ra một piano điện tử không rẻ, phải là những hãng có tên tuổi của Nhật như Roland, Yamaha, Casio… tạo ra. Giải pháp của nhiều doanh nghiệp là mua rất nhiều piano điện bãi, piano cũ của Nhật về sửa chữa, bán lại ở Việt Nam. Đồ nhựa thì vài chục năm nhìn hình thức nó vẫn ổn, nhất là được bảo quản trong môi trường Nhật Bản, song các mạch điện tử nhỏ ly ti thì nó không thế. Việc một chiếc piano điện tử cũ mua về, khách hàng dùng được một vài năm là tịt nốt, gãy phím, ẩm, mạch chập, mất nguồn, hỏng “main”… là điều luôn xảy ra.

Điều đáng nói là khi khách hàng bỏ tiền ra sửa chữa, những chiếc đàn này đa số cũng chỉ dùng được thời gian là lại hỏng vì khi sửa chữa, thợ piano điện cũng chỉ lấy những linh kiện (“kiểu cấy ghép nội tạng”, chắp vá) từ những cây piano điện cũ bị hỏng khác rồi ghép sang cái đàn cũng bị hỏng. Lý do là chính hãng không muốn cung cấp linh kiện cho những dòng piano điện quá cũ bởi nhiều khi, khấu hao thời gian sử dụng của nó đã hết, chữa cái nọ nó sẽ hỏng cái kia, chưa kể, việc cung cấp linh kiện sửa chữa những chiếc piano điện cũ sẽ làm chính hãng giảm doanh số bán đàn mới. Nếu bạn chưa tin, sau khi sửa chữa piano điện cũ, bạn hỏi xem thợ sửa sẽ bảo hành cho bạn bao lâu thì thường là nhận được thời gian bảo đảm rất ngắn, có thể là 3 hoặc 6 tháng vì linh kiện được thay vào thường là linh kiện cũ, mà linh kiện cũ thì cũng không có gì là đảm bảo cả.

Hiện tượng nữa là phím đàn piano điện cũ hầu như bằng nhựa, được kết nối với đế bàn phím bằng những cái mấu (cũng bằng nhựa). Nhựa lâu ngày lão hóa, cứng, giòn, đàn hồi kém đi, dễ gãy, vỡ. Nếu nó bị gãy, tiền thay thế thường được tính vài chục ngàn đến 100 ngàn/phím (thí dụ bị 10 phím là bạn mất tiền triệu), và cũng chỉ được thay thế bằng phím cũ hoặc thợ sẽ dùng phương pháp hàn gắn các mấu bị vỡ lại. Bạn cũng biết là trong chiếc đàn piano, phím đàn là bộ phận hay được sử dụng nhất. Việc chiếc đàn piano điện cũ bị gãy mấu phím, bị gãy cả đế bàn phím là việc không hiếm thấy.

 

Nói thật là nói đến piano điện cũ, tôi hoàn toàn chán ngán, song tôi vẫn phải nói vì ngoài khả năng sử dụng của nó thấp, mạo hiểm, tốn tiền sửa chữa, rác thải nhựa của piano điện là vấn đề lớn ở Việt Nam. Việt Nam không có qui trình xử lý rác thải cụ thể gì, cơ bản vẫn là tháo dỡ, tận dụng được cái gì thì tận dụng, sau đó là đốt hoặc chôn lấp.

 

Tôi kêu gọi các bạn dừng mua piano điện cũ, kể cả đàn mới, trừ những trường hợp đặc biệt như nghệ sĩ dùng đàn điện có nhiều tính năng mới và đắt để phục vụ biểu diễn ở những nơi vì lý do nào đó mà thiếu  điều kiện cho những nhạc cụ thật được sử dụng.

Nhiều khách hàng cho rằng con em họ mới học âm nhạc, họ cần phải thử trước xem có học được không rồi mới quyết định mua một chiếc đàn đắt hơn.

Nếu bạn tìm được nhà cung cấp coi trọng uy tín, với khoảng 15 000 000 vnđ, bạn vẫn có thể mua được một chiếc piano cơ cũ của Nhật, dùng tốt cho yêu cầu của trẻ.

Nếu bạn không thể lo nổi số tiền đó, bạn hãy mua cho các con cái của mình một chiếc guitar gỗ nhỏ, một cây sáo Tây (flute), một chiếc violin, không nhất thiết phải là đàn piano. Trên thế gian này, không chỉ piano mới là nhạc cụ hay.

 

Việc mua đàn, nếu không gặp chuyên gia hoặc gặp phải những người hay nói dối, luôn đặt lợi nhuận lên trên, bạn sẽ gặp khó khăn, nhưng nếu gặp, nó sẽ rất đơn giản.

Có một điều khó hơn, tôi muốn nói với các bạn là “HỌC NHẠC NHƯ THẾ NÀO?”. 

 

Đấy mới thực sự là điều khó ./.

 

Xin phép xem chủ đề này trong bài viết sau:

 

Học nhạc như thế nào để đạt mục đích của mình? hay Phương pháp học nhạc?

Follow us

HUY QUANG PIANO