Có nên học âm nhạc không? Nếu học thì học nhạc cụ gì, học ở đâu và học như thế nào, học ai, học phương pháp nào…
Tôi sẽ lần lượt trả lời các câu hỏi này.
Thứ nhất, có nên học âm nhạc không và học nhạc cụ gì?
Người ta cần khỏe thể chất và khỏe tinh thần (physical and metal health).
Muốn khỏe thể chất thì đã quá rõ: sống đều đặn, ăn uống chừng mực, lựa chọn những món ăn tốt nhất mà bạn có thể, năng vận động và cố gắng chọn môi trường khí hậu tốt để sống.
Tóm lại, cơ thể cần sự cân bằng bởi sự ăn uống, bởi vận động… để quá trình trao đổi chất trong cơ thể hoạt động hiệu quả.
Muốn khỏe tinh thần thì đầu tiên, thể chất phải khỏe vì 2 mảng này liên quan đến nhau - thể chất dặt dẹo thì rất khó có một tinh thần khỏe mạnh; tinh thần suy sụp, trầm cảm thì vai trò tinh thần có thể “kết liễu" thể chất, kể cả nó đang khỏe mạnh (ví dụ: tự tử).
Cuộc sống luôn có 2 mặt - tốt và chưa tốt, không có gì hoàn hảo, trừ Thượng Đế. Nếu ta nhìn vào mặt tích cực của vấn đề, ta sẽ thấy cuộc sống vui hơn; nếu ta luôn nhìn vào mặt trái của vấn đề, ta cần xem lại cách nhìn sự vật của chính mình.
Nhìn mặt tích cực của sẽ làm cho tinh thần thoải mái hơn. Đấy là một dạng "dưỡng chất" cho tinh thần.
Ngoài ra, tinh thần cần một thứ thuốc rất đặc biệt, đó là tình yêu. Theo những gì ta thấy bằng “mắt thịt”, đời người chỉ sống có một lần, dù bạn tin ai, tin vào Thiên Đàng hay địa ngục thì trong chúng ta luôn cảm thấy hoài nghi về một thế giới khác. Vì vậy, được vỗ về, động viên, yêu và được yêu là nhu cầu không thể thiếu của con người.
Âm nhạc và nghệ thuật có thể nói là “món ăn” không thể thiếu của tinh thần, nó giúp con người thăng hoa, đôi khi quên đi thực tại (có thể là phũ phàng).
Tại sao?
Dopamine là hormone (hoóc-môn) liên quan đến cảm giác hạnh phúc của con người (bạn có thể 'google' để tìm hiểu thêm). Nếu não người giải phóng lượng dopamine thấp, người ta cảm thấy nhàm chán, thiếu nhiệt tình với mọi thứ xung quanh, có thể dẫn đến trầm cảm.
Có nhiều cách để tăng lượng dopamine trong não như tập thể dục, ăn uống đủ chất, thói quen suy nghĩ tích cực trong các vấn đề khác nhau, tiếp xúc đủ ánh sáng mặt trời, ngủ đủ giấc và cả học, thưởng thức nghệ thuật cũng giúp não bộ thăng hoa, dẫn đến lượng dopamine trong cơ thể được tăng lên.
Có người sinh ra đã có tinh thần lạc quan, nhìn đời bằng con mắt tích cực; ngược lại, có nhiều người sống bi quan, nhìn sự vật thấy mảng tối nhiều hơn sáng. Tùy theo tình trạng thực tế, ta nên biết điểm yếu của mình mà điều chỉnh cho phù hợp bởi khi sinh ra, không ai giống nhau cả (điều chỉnh phù hợp: kiểu như tính ông đã hay bi quan thì đừng nghe nhạc vàng nhiều).
Vì vậy, ngoài những cái đã nêu trên, âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung, là thứ cần cho con người để hỗ trợ thêm não bộ có một tinh thần cân đối và khỏe mạnh.
Các lĩnh vực khác, đã có các chuyên gia, tôi chỉ bàn về âm nhạc.
Xin lưu ý là âm nhạc không phải chìa khóa của hạnh phúc, nó chỉ hỗ trợ. Chủ đề “Chìa khóa hạnh phúc ở đâu?”, xin phép chưa bàn ở đây!
Vậy, có nên học âm nhạc? Nếu học thì học nhạc cụ gì ?
Giống như ăn uống, có món ăn đơn giản như khoai nướng, có món cầu kỳ như “nem công, chả phượng”… Đàn nhạc cũng vậy, có cái chỉ đơn giản một dây như chiếc đàn bầu, có cái có hơn hai trăm cái dây như chiếc đàn piano cơ. Bảo cái nào hay hơn cái nào thì hơi nhạy cảm nhưng ta biết có những dân tộc phát triển chậm hơn các dân tộc khác, ngôn ngữ của họ vì thế cũng nghèo nàn hơn. Có những dân tộc và ngôn ngữ mà gần như cả thế giới đều muốn biết để tiếp cận và cập nhật thông tin vì nếu hiểu ngôn ngữ đó, bạn có thể tiếp cận hầu như tất cả các vấn đề của văn minh nhân loại nói chung một cách đa dạng và tổng quát nhất.
Tùy theo thời kỳ, giai đoạn lịch sử mà quốc gia nào, ngôn ngữ nào được cho là đang thống trị văn minh nhân loại tại thời điểm đó.
Vậy, nếu tôi chọn học ngôn ngữ, tôi sẽ chọn những ngôn ngữ (có thể nói là phương tiện) để tôi có thể tiếp cận dễ dàng nhất với những gì tôi muốn. Thí dụ, tôi muốn từ Việt nam sang Mỹ trong thời kỳ hiện tại, phương tiện tôi chọn sẽ là máy bay chứ không phải tàu thủy như trước kia vì máy bay giúp tôi đến Mỹ nhanh và an toàn nhất.
Âm nhạc hoặc ẩm thực cũng vậy. Bạn có thể học cái đàn bầu của Việt Nam hoặc chọn củ khoai nướng để ăn hay tìm cái đàn Nhị của Tàu để học… Chuyện hay dở ta chưa bàn vì cũng như ngôn ngữ, văn hóa đa dạng thì ngôn ngữ cũng đa dạng; văn hóa nghèo nàn, lạc hậu thì ngôn ngữ, âm nhạc, nhạc cụ vì thế mà cũng bị ảnh hưởng theo. Thí dụ, rất nhiều từ ngữ chuyên môn, chúng ta phải vay mượn ở nước ngoài vì ngôn ngữ chúng ta không có những từ ngữ đó, ngay cả trong ngành kỹ thuật piano của tôi, rất nhiều từ ngữ, tôi phải tự tìm trong vốn từ tiếng Việt của mình, đặt tên cho phù hợp, nhất là đặt tên cho các linh kiện của đàn piano cơ vì ngôn ngữ Việt nam (trong thời điểm tôi viết bài này) chưa có từ ngữ nào được đặt tên cho những chi tiết đó.
Nếu bạn tự cho chúng ta là có bề dày văn hóa rất lớn, là một dân tộc văn minh trên thế giới … thì tôi và bạn có cách nhìn khác biệt.
Tóm lại, có lẽ tôi đã trả lời câu hỏi thứ nhất: Có nên học âm nhạc không, loại âm nhạc gì và nhạc cụ gì?
Vâng, bạn nên học âm nhạc và nhạc cụ phương Tây vì khả năng biểu cảm của nó phong phú. Bạn có thể học hệ phím như piano; hệ dây như violin, viola, cello, contrabasss; các loại kèn đồng như trumpet, kèn co, trombone; kèn gỗ như oboe, clarinet, fagot; bộ gõ như trống; các nhạc cụ khác như saxophone, accordion, guitar, ukulele…
Bạn có thể học nhạc cụ dân tộc Việt Nam như bầu, nhị, nguyệt, thập lục, tam thập lục, ngay cả đàn đá… nhưng bạn nên học ít nhất một nhạc cụ phương Tây kể trên vì khả năng thể hiện tác phẩm của nó cao và đa dạng.
Bạn cũng nên nhớ hầu như tất cả các nghệ sĩ, thầy giáo nhạc cụ dân tộc chuyên nghiệp ở Việt Nam, được đào tạo rất công phu và bài bản, bản thân họ, nếu có điều kiện hoặc sau này, khi họ có gia đình, con cái, họ thường hướng cho bản thân và con em của họ theo học các nhạc cụ phương Tây.
Kiểu như bạn là người dân tộc thiểu số, nếu có điều kiện, bạn vẫn học tiếng Kinh, con bạn có thể vẫn cho học tiếng dân tộc để biết về ngôn ngữ của cha ông nhưng nên biết tiếng Kinh để giao du tốt hơn, cập nhật thông tin nhanh hơn.
Xin cám ơn!
HQ
Chủ đề tiếp theo: Nên học nhạc cụ Phương Tây nào?