Giống như nước phở, nước dùng ngon thì đậm đà, các vị của nó hòa hợp (không giả dối kiểu mỳ chính hay vị phở rẻ tiền), khi ăn bạn có đủ năng lượng để làm việc cho cả buổi sáng. Vị ngọt đọng lại, đi đâu cũng nhớ, đi rất xa cũng nhớ và muốn về nơi đấy để ăn.
Âm thanh cũng vậy, âm thanh giàu, đẹp là âm thanh có bồi âm phù hợp, nó dày dặn, tròn trịa, đều đặn và chính xác, mạnh mẽ nhưng tinh tế, tinh xảo nhưng tràn sức mạnh. Bồi âm của âm thanh thường bạn chỉ cảm thấy khi bạn thật để ý nó, nó không dành cho người hời hợt, khoa trương, nó dành cho những tâm hồn biết lắng nghe, quan sát những mảng nhỏ nhất của thế giới vận hành quanh ta.
Có nhiều người ở vùng khác đến quán phở nổi tiếng Hà Nội đế thưởng thức và nhận xét rằng phở ở đó không khác gì phở quê họ. Cũng có thể vì cảm nhận nhiều khi là thói quen. Nhưng cái gì cũng vậy, nó có tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn được nhiều người sành sỏi về vấn đề đó công nhận là tiêu chuẩn chung, những cái cá biệt không thể coi là tiêu chuẩn chung được.
Piano xuất phát từ Châu Âu. Châu Âu có truyền thống làm đàn từ mấy trăm năm nay, họ nổi tiếng bởi chất lượng và sự tinh tế âm thanh, từ chiếc Violin, Guitar đến tất cả các loại kèn đồng, kèn gỗ và tất nhiên cả piano. Piano truyền thống của Đức, Áo, Pháp, Ý, Anh ..., nếu là của các hãng nổi tiếng thì phải nói là nó hoàn hảo. Phong trào chơi và chế tạo piano cơ vẫn phát triển ở Đức, và đặc biệt là Áo trong thời gian này. Đàn piano (cũng như một số ngành công nghiệp khác) của Ý vẫn không chịu thua kém ai, vẫn đưa ra những sản phẩm tuyệt hảo. Cộng hòa Áo với tổng dân số chưa đến 9 triệu cũng chưa bao giờ muốn thua kém “đàn anh” Đức to lớn bên cạnh và họ vẫn luôn làm thế giới ngỡ ngàng từ hàng ngàn năm nay. Rồi Steinway & Sons du nhập sang Mỹ và trở thành sở hữu trí tuệ Mỹ, nhưng các dòng khác còn ở lại quê hương Châu Âu cũng chưa bao giờ chịu kém “ông bạn di cư” Steinway. Châu Âu “thượng đẳng” luôn chứng tỏ cho thế giới biết họ còn đó, tất cả văn minh nhân loại không chỉ nằm ở lục địa Bắc Mỹ mà rất nhiều thứ tuyệt vời đã và đang từ họ mà ra. Châu Âu vẫn đang phát triển, vẫn tự hào bởi Pari hoa lệ, tháp Big Ben cổ kính (Anh), cổng Brandenburg (Đức) hay những kiến trúc tuyệt vời và văn hóa đỉnh cao Roma, Athen …
Nói về văn minh Châu Âu có lẽ không bút sách nào tả hết. Sang đến Viên, nếu bạn nói về Steinway & Sons nhiều, người ở đó sẽ không thích và có thể họ sẽ đánh giá nhận thức của bạn. Sang đến Viên, bạn dùng taxi với ứng dụng của Uber nhiều, họ sẽ nhắc bạn dùng Taxify hay ứng dụng của họ. Sang đến Châu Âu, đặc biệt là Tây Âu, nếu bạn nhắc đến văn hóa Mỹ và người Mỹ nhiều, bạn sẽ bị lạc lõng mặc dù Mỹ là đồng minh thân cận của họ từ mấy đời nay, song vẫn có một thứ cạnh tranh ngầm trong tâm thức người Châu Âu.
Nếu Mỹ có Boeing 787 thì Châu Âu sẽ nhắc nhớ người tiêu dùng rằng họ có Airbus A380.
Vậy, sang Châu Âu, bạn đừng nhắc piano Yamaha nhiều với họ, đừng coi Steinway & Sons là hãng làm đàn hay nhất thế giới.
***
Piano ở Châu Âu có Feurich (của Đức từ 1851 và nay sở hữu bởi Công ty thuộc Cộng hòa Áo), có Bechstein (của Đức từ 1853), có Bosendoerfer (của Áo từ 1828), và có một Công ty sản xuất đàn piano tuyệt vời, có thể bạn chưa bao giờ nghe tên là Steingraeber & Soehne (của Đức từ 1952), và Fazioli của Ý chỉ mới thành lập từ 198, nhưng có lẽ bạn đừng bao giờ nên chê bai piano cơ của họ vì họ đã tự tin bán khá nhiều Grand Piano với giá một đến vài tỉ vnđ/chiếc.
Nếu bạn nói với Châu Âu rằng Steinway & Sons là chiếc piano rất hay, họ đồng ý nhưng bạn nói rằng nó hay nhất, họ sẽ nhìn bạn, không nói gì và có thể họ sẽ cười tươi nữa là đằng khác vì chắc chắn bạn đã sai.
Nếu bạn bảo Steinway & Sons là hãng đàn được “marketing' (làm thị trường) tốt nhất thì họ sẽ đồng ý với bạn.
***
Vậy, thế nào là một chiếc đàn piano cơ hay?
Nó là chiếc đàn được sản xuất tinh xảo đến ngỡ ngàng, từ việc lựa chọn vật liệu để sản xuất, đến những loại keo, sơn để gắn kết các khớp, các mộng, các nguyên tắc âm thanh được tuân thủ từng chi tiết nhỏ nhất, từ việc cân chỉnh mà độ chính xác lên tới từng 1/10 mm. Âm thanh nó phát ra phải tròn trịa, đầy và “giàu có”. Những thành phần của âm thanh (bội âm) cần phải phù hợp với thể loại âm nhạc nó định miêu tả. Trên hết, nhiệm vụ của những chiếc đàn này là tạo cho người nghệ sĩ cảm giác thuận tiện, nhuần nhuyễn dễ chơi trên từng ngón tay nhất có thể, với những âm thanh hòa quện, lắng đọng, không theo kiểu va đập, ồn ào. Âm thanh phải đủ lớn, đầy đặn như sóng lớn đánh vào bờ với những vỉa đá ngoài khơi chặn lại, luồn lách, tạo nên nhiều màu sắc của âm thanh, lúc róc rách, lúc ồn ào, lúc bão tố.... Nó không như sóng biển đánh vào vách đá dựng đứng, gây tiếng động lớn rồi bật ngược trở lại, tan biến ngay vào không gian… Âm thanh của nó phải vang xa nhưng sâu và thấm vào từng thớ thịt, không choang choang như tiếng búa đập, không khụt khịt như người nghẹt mũi.
Loài người thích nghe những âm thanh như vậy, tiếng mưa rơi, tiếng sóng vỗ về, tí tách trong đêm...
***
Âm nhạc, âm thanh cũng phải thế, chưa cần giai điệu nó đã phải hay rồi.
Tạo nên một nhạc cụ hay không thể xuất phát từ một tâm hồn dối trá, chộp giật. Nó cần sự tinh khiết trong tâm hồn để có thể cảm nhận những cái nhỏ nhất trong không gian mà giác quan của con người có thể nhận biết.
Vâng, tôi không thể dùng ngôn từ để tả cho các bạn biết cụ thể hơn thế nào là một chiếc đàn piano hay vì ngôn từ và âm thanh là hai phạm trù khác nhau.
Nhưng tôi mong các bạn cảm thấy một điều gì đó ./.
Chủ đề sau: Học nhạc ở đâu và học phương pháp nào?