Như trong phần "Dịch vụ Đào tạo tại Trung tâm Đào tạo" chúng tôi đã đề cập rằng mỗi nhà sản xuất đều có sản phẩm của mình. Trong ngành của chúng tôi, chúng tôi cũng có sản phẩm. Sản phẩm cuối cùng của chúng tôi là cây đàn có thể phát âm thanh nhờ người chơi. Người chơi ở đây thường là trẻ em vì cha mẹ thường mua cho con em học chứ khi đã lớn rồi, mấy ai học nhạc thành công. Học nghệ thuật nên học từ nhỏ. Vậy, sản phẩm đó cần có sự kết hợp của nhiều người. Thí dụ, muốn có em bé biết chơi đàn piano thì phải có đàn, chiếc đàn phải được những người thợ làm nên, phải đóng gói, vận chuyển về Việt Nam, phải chỉnh âm lại tại Việt Nam, phải được vận chuyển an toàn đến nhà khách hàng, phải có người dạy, bố mẹ các cháu phải kiên nhẫn đưa đón các cháu trong thời gian dài...

Có 3 yếu tố tôi rút ra ở đây là dịch vụ cung cấp đàn (bao gồm sản xuất đàn, buôn bán đàn, lên dây, sửa chữa đàn, vận chuyển đàn...), giáo viên sự cố gắng của bố mẹ các cháu (tức khách hàng).

 

 

Khách hàng: nếu một người đi mua đàn mà chỉ muốn mua giá thật rẻ, chất lượng phải tốt , không nghĩ đến quyển lợi của 2 yếu tố còn lại thì sẽ không có giáo viên dạy và dịch vụ cung cấp cũng không thể đáp ứng nếu không đủ chi phí. Chiếc đàn sẽ trở thành chiếc "đàn chết " vì không có người chơi. Việc này cũng hay xảy ra ở những nước công nghiệp phát triển khác chứ không riêng ở Việt Nam vì người mua đàn thường không lường trước được khó khăn của việc học đàn. Nó là sự kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa nhà cung cấp dịch vụ (là chúng tôi), thầy cô giáo và phụ huynh học sinh (là các bạn, tức khách hàng của chúng tôi).

Như chúng tôi đã đề cập trong bai viết "Tư vấn mua đàn" trong phần DỊCH VỤ. Thật dễ thông cảm khi một  khách hàng qua cửa hàng của chúng tôi, 10 phút hoặc 15 phút mà bảo anh ta phải tin chúng tôi ngay để bỏ vài chục triệu ra mua một cây đàn. Một cái đàn piano cũ có thể vài triệu như những chiếc đàn piano cũ của Nga và có thể vài chục triệu hay vài trăm triệu như những cây đàn Mỹ, Đức, Nhật, Hàn loại tốt.

Nhìn bề ngoài, chúng tương đối giống nhau.

 

Giáo viên:  Vì việc chọn đàn rất khó nên đa số khách hàng mua đàn thường nhờ tư vấn, mà người gần gũi nhất thường là các thầy cô giáo đang trực tiếp dạy các cháu. Việc này xảy ra không ít tiêu cực mà cụ thể là các thầy cô thường nâng giá đàn lên vài trăm, thậm chí hàng ngàn usd để bán cho học sinh.

Trước đây, tôi sống ở Đức khoảng 10 năm , việc bớt lại khoảng vài phần trăm để biếu tặng các cô, thầy giáo khi họ giới thiệu học sinh đến mua đàn cũng xảy ra. Tôi thấy cũng dễ chấp nhận vì để có chút quà cho các thày cô, động viên thày cô dạy dỗ tốt là điều hay, nhưng cái "chút" đó lên đến vài trăm hay hàng ngàn usd cho một cái đàn có tổng trị giá 1 đến 2 hoặc 3 ngàn usd là điều tôi không thích và tôi tin là nhiều người không thích.

Việt Nam là nước đang phát triển, nhiều cái đang định hình. Nếu mọi thứ hình thành theo đúng quĩ đạo của nó thì có lẽ sẽ tốt hơn. Chúng tôi kinh doanh, chi phí nhiều, tiền thuê nhà có khi lên đến vài chục triệu mà việc môi giới có thu nhập cao hơn, lại không phải bỏ đồng vốn thì tôi thấy không công bằng. Khách hàng thường không thích khi họ biết điều này. Nếu bạn là khách hàng, chắc bạn cũng nghĩ vậy. Có khách hàng đến với tôi 10 phút, muốn mua đàn của tôi nhưng tất nhiên là không tin tôi hẳn và muốn nhờ thầy giáo đến xem đàn và quyết định hộ.

Tôi khuyên khách hàng là hãy để thày/cô đến xem đàn, tôi sẽ có chút quà cho thày/cô theo đúng nghĩa của nó, để gia đình yên tâm hơn về sản phẩm mình mua vì đã có 2 người cùng tư vấn là thày /cô và chúng tôi. Có lúc, chúng tôi có hàng trăm cây đàn piano bày bán mà "người tư vấn" đến xem không ưng cây nào. Việc này không đúng vì sản phẩm của Nhật tương đối đồng đều nên việc không ưng cây nào hoàn toàn không do chất lượng đàn.

Có khách hàng tỏ ra biết việc môi giới có giá thành quá cao nhưng vẫn chấp nhận để coi như là có "chút" quà cho cho thày cô, để tỏ lòng biết ơn công lao dạy dỗ. Tôi không đồng tình vì nếu bạn muốn tỏ lòng biết ơn, bạn hãy mua chút quà có ý nghĩa hoặc có thể cho số tiền đó vào phong bì và tặng thầy cô. Bạn làm theo cách kia họ sẽ bảo bạn dại và dường như sự lừa dối lại có đất sống trong một xã hội vốn đã nhá nhem.

Tôi không thích người ta gọi khách hàng là "gà" hoặc người bán hàng nói "tôi vừa chăn được con gà nọ, con gà"  kia...

Nếu tôi đi mua một mặt hàng khác, không phải chuyên môn của tôi thì việc người bán hàng bảo tôi là dại, là "gà" sẽ làm tôi không thích.

Mỗi người một nghề, không ai biết tất cả.

Tuy nhiên, cũng có nhiều thày cô làm chúng tôi kính trọng. Họ không nhận tiền hoa hồng dù nhỏ, họ mang học sinh đến tìm cây đàn vừa ý và không hề đề cập đến tiền môi giới. Có người cũng nhận một chút quà của chúng tôi theo đúng nghĩa và vẫn dạy dỗ học sinh cẩn thận theo lương tâm nghề nghiệp. Tuy nhiên, có nhiều người mang danh thày/cô nhưng chỉ tìm cách bán đàn cho học sinh rồi tìm cách thoái thác không dạy nữa. Có nhiều khách hàng rất tin tưởng vào thày/cô giáo của con em mình vì thày/cô đã dạy dỗ con em mình một thời gian, nhưng khi gặp phải kinh nghiệm xấu, họ hiểu ra, thất vọng vì mất lòng tin.

 

Những người cung cấp dịch vụ (là chúng tôi): Tôi thường nói với khách hàng là giá bán của chúng tôi không rẻ nhất mà tôi tìm một giá vừa phải vì tôi muốn có "quà" cho chúng tôi, "quà" cho thầy/cô giáo và quà cho bạn (là những khách hàng) bằng giá cả và dịch vụ  của mình. Nếu khách hàng để mất một trong 3 yếu tố quan trọng như tôi đã trình bày ở trên thì sản phẩm cuối cùng là người biết chơi đàn sẽ không thành hình. Mục đích của các bạn sẽ thất bại, mục đích của chúng tôi cũng thất bại, chúng tôi sẽ không có "sản phẩm thực sự", tất cả chúng ta sẽ thất bại, thầy/cô giáo cũng chẳng có ai để dạy ./.

 

 

HQ

 

 

Follow us

HUY QUANG PIANO